MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các điểm bán tự phát xung quanh chợ đầu mối ở TPHCM hoạt động rầm rộ. Ảnh: Thanh Chân

Kinh doanh bát nháo xung quanh các chợ đầu mối nhiều “không”

THANH CHÂN - NGỌC LÊ LDO | 13/05/2024 08:00

Hiện có nhiều ca ngộ độc thực phẩm, trong đó vấn đề vệ sinh và nguồn gốc thực phẩm là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Việc sử dụng các thực phẩm từ các điểm kinh doanh tự phát cũng mang đến mối nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe người dân.

Nhiều “không” ở chợ tự phát

Theo ghi nhận, các tuyến đường, vỉa hè xung quanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TPHCM) đều xuất hiện hàng chục điểm kinh doanh tự phát. Các sạp hàng ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng, gây mất vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Các xe tải, xe ba gác xuống hàng cùng người dân dừng lại chọn lựa đã cản trở giao thông.

Chị Lương Thúy Hiền - tiểu thương chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết: “Tôi thấy việc kinh doanh tự phát ở chợ đầu mối Hóc Môn diễn ra đã lâu, thậm chí, ngày càng rầm rộ hơn. Họ bán đủ các mặt hàng nên khiến tiểu thương trong chợ như chúng tôi bị giảm tới 30-40% sản lượng hàng hóa”.

Tình trạng này cũng diễn ra tại các khu chợ truyền thống lớn và 2 chợ đầu mối còn lại ở TPHCM (chợ đầu mối Thủ Đức và Bình Điền). Điểm chung của các khu chợ tự phát này là nhiều “không” là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không đóng thuế, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Việc này cũng gây bức xúc cho các tiểu thương tại những khu chợ chính thống.

“Họ cứ bày bán tràn lan ảnh hưởng xe ra vào chợ, giá thành không công bằng như trong chợ đầu mối. Khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, họ dẹp nhưng sau đó lại bán buôn trở lại. Việc này ảnh hưởng lớn đến các tiểu thương kinh doanh hợp pháp như chúng tôi” - ông Ngô Văn Linh tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền chia sẻ.

Cần tạo môi trường kinh doanh công bằng

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM), ban lãnh đạo chợ đã kiến nghị với lãnh đạo TPHCM và các cơ quan chức năng quan tâm xử lý tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ để tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tiểu thương.

Theo ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hoạt động kinh doanh tại các điểm tự phát xung quanh chợ dễ dàng hơn như vấn đề an toàn thực phẩm không được kiểm soát. TPHCM đã chỉ đạo quận, huyện, phường trực tiếp để xử lý tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể được giải quyết dứt điểm trong một ngày mà cần có lộ trình phù hợp.

Tương tự, ông Phan Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm và môi trường Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn - cho hay, những điểm bán tự phát xung quanh chợ ảnh hưởng trực tiếp tại tình hình kinh doanh trong chợ. Người buôn bán tại các điểm tự phát không khám sức khỏe, không có kiến thức về an toàn thực phẩm và có thể không bảo quản thực phẩm tốt. Đồng thời, gây nên tình trạng kẹt xe, rác thải tập trung xung quanh chợ, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Chợ đã kiến nghị các cấp chính quyền về vấn đề này để có biện pháp xử lí nghiêm các điểm bán tự phát, tạo sự công bằng cho những người kinh doanh tại chợ” - ông Tuấn cho biết.

Về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thương nhân thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sổ ghi chép nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ, có hóa đơn cho người mua để truy xuất nguồn gốc hàng hóa…

Để hạn chế tình trạng chợ chạy tự phát và đảm bảo an toàn sức khỏe cho dân, TPHCM liên tục có các phương án, hoạt động kiểm tra, rà soát các điểm bán tự phát này. Song song đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm ở nơi hợp pháp, tránh mua hàng trôi nổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn