MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh nghiệm phòng tránh lừa đảo qua mạng

Mạnh Cường LDO | 12/05/2023 20:00

Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng có chiều hướng gia tăng về số lượng và diễn biến phức tạp. Dù vậy, các hình thức lừa đảo vẫn có những điểm đáng ngờ, nếu cẩn thận xem xét, nhìn nhận sự việc kỹ lưỡng sẽ không dễ dàng bị lừa.

Là nhân viên ngân hàng nên chị Phạm Thị Lê Thao (30 tuổi, Nam Định) thường xuyên nhận được phản ánh của khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo liên quan đến tài khoản ngân hàng, thẻ ATM. Do đó, chị Thao đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm nhận biết lừa đảo để chia sẻ đến các khách hàng khác.

Chị Thao khuyên không click vào liên kết lạ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có 3 hình thức lừa đảo qua mạng nhắm vào tài khoản ngân hàng phổ biến nhất mọi người nên chú ý. Thứ nhất, giả mạo ngân hàng gửi tin nhắn, email chứa liên kết lừa đảo. Thứ hai, thực hiện hẹn lịch chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản. Thứ ba, chiếm quyền sử dụng ví điện tử để rút tiền từ tài khoản ngân hàng liên kết.

Theo chị Thao, trường hợp giả mạo ngân hàng gửi tin nhắn, email chứa liên kết lừa đảo thì phải xem đầu số gửi. Đồng thời kiểm tra kỹ từng chữ trong liên kết có đúng với website của ngân hàng hay không. Tốt nhất không nên click vào liên kết, không nhập các thông tin tài khoản, mã OTP gửi về điện thoại.

Với trường hợp thứ hai, chị Thao khuyên khách hàng nhìn kỹ thông tin ảnh chụp màn hình người khác gửi cho mình. Khi hẹn lịch, ngân hàng sẽ báo quý khách đã hẹn lịch chuyển tiền thành công chứ không phải giao dịch thành công. Đây là chiêu trò lừa đảo thực hiện chức năng hẹn lịch sau đó hủy lệnh chuyển tiền đã hẹn để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trường hợp thứ ba, ví điện tử MoMo phổ biến nhất hiện nay thường được liên kết với tài khoản ngân hàng của khách hàng. Kẻ gian hay đăng tin mua các ưu đãi của ví trên mạng bởi ví MoMo liên tục tặng ưu đãi cho khách hàng. 

Tuy nhiên, kẻ gian sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản, mật khẩu ví MoMo. Khi đã truy cập được vào ví, kẻ gian sẽ nạp tiền từ tài khoản ngân hàng của khách hàng vào ví sau đó chuyển hết số tiền sang tài khoản MoMo của chúng để chiếm đoạt.

Anh Nguyễn Khương Duy (28 tuổi) - công nhân tại Nam Định cho biết bản thân thường xuyên theo dõi các thông tin trên tivi, báo đài nên cũng biết được nhiều thủ đoạn lừa đảo qua mạng. Vì thế, anh rất tỉnh táo, biết rõ thủ đoạn của kẻ gian khi bắt gặp và chưa bao giờ bị lừa.

"Nếu bạn bè, người thân nhắn tin nhờ tôi chuyển tiền, đầu tiên tôi sẽ xem lại giọng điệu, cách xưng hô của họ có giống hàng ngày không. Đặc biệt, nếu họ yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản khác không phải chính chủ thì chắc chắn là đã bị “hack nick”, lừa đảo" -  anh Duy cho hay.

Đôi lúc, anh Duy cũng nhận được các thông báo trúng thưởng vô cùng hấp dẫn. Khi trao đổi sẽ thấy đối tượng yêu cầu chuyển tiền để nhận quà với lý do đóng thuế cho nhà nước, phí vận chuyển hoặc phí hải quan. Những lúc như vậy, anh Duy khuyên mọi người cần hết sức cảnh giác.

Anh Duy chia sẻ, hãy thử hỏi lại địa chỉ cụ thể của cơ quan tổ chức thông báo trúng thưởng. Sau đó đề nghị được đến tận nơi nhận thưởng hoặc ra ngân hàng, kho bạc đóng thuế, phí. Kẻ gian khi nghe xong thường sẽ tìm mọi lý do từ chối, thậm chí là tắt máy ngay lập tức. 

Theo anh Duy, người mượn tiền nếu là lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển vào tài khoản ngân hàng khác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thông tin thêm, nam công nhân cho biết hiện có khá nhiều kẻ gian đăng tuyển người làm nhiệm vụ thả tim, xem video, đánh giá 5 sao nhận thưởng. 

Ban đầu, họ sẽ chuyển vài chục nghìn trả công để tạo sự tin tưởng. Sau đó, kẻ gian sẽ yêu cầu nạp tiền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nhận thưởng. Đây chính là bẫy lừa đảo, khi đã chuyển tiền sẽ không bao giờ lấy lại được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn