MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với công nhân về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong doanh nghiệp. Ảnh: BHXHVN

Kịp thời xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động

Hà Anh LDO | 11/02/2024 15:44

BHXH Việt Nam luôn chủ động, quyết liệt, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Xác định hành lang pháp lý là yếu tố quan trọng nhất, tạo nền tảng, điều kiện cho việc triển khai, thực hiện công tác thu, là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách, thời gian qua, BHXH đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện, như Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); góp ý dự thảo Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thực hiện Đề án 06;…

BHXH Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2 tội danh liên quan đến gian lận BHXH, BHYT, BHTN (Điều 214, 215) và Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP.

Đặc biệt, trong xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV cuối năm 2023 vừa qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Bộ LĐ-TBXH và các đơn vị liên quan hoàn thiện, bổ sung các chế tài trong Luật nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo đó, ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH, khởi kiện ra toà, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành) còn bổ sung thêm một số chế tài như cơ quan có thẩm quyền tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.

BHXH Việt Nam cũng đề xuất một số giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: BHXHVN

Toàn ngành thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động để có giải pháp phù hợp với mỗi đơn vị, trong đó chú trọng theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn.

Hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức giao ban toàn ngành đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm số tiền chậm đóng để kịp thời có các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố, đảm bảo các đơn vị sử dụng lao động đóng kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới; tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo ngành làm trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp thu, giảm chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN… tại các địa phương.

BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản làm việc yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định.

Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn ngành, hết năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có tính lãi ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn