MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuyền khai thác cát trên lòng hồ thủy điện IaLy. Ảnh Thanh Tuấn

Kon Tum, Gia Lai lúng túng trong phối hợp bắt “cát tặc” hồ IaLy

THANH TUẤN LDO | 21/04/2023 15:35

Tình trạng “cát tặc” trên lòng hồ thủy điện Ia Ly, giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum diễn ra phức tạp. “Cát tặc” hoạt động về đêm, khai thác cát, sỏi trái phép, trong khi cơ quan chức năng 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum vẫn còn lúng túng giải pháp trong việc phối hợp xử lý hiệu quả.

Lòng hồ thủy điện Ia Ly rộng tới 64,5 km2, thời gian gần đây, các đối tượng dùng sà lan hút cát trái phép tại lòng hồ, đoạn giáp ranh xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Sau đó đưa cát về tập kết bên hồ thủy điện Ia Ly, thuộc địa bàn huyện Chư Păh (Gia Lai). 

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng 2 tỉnh “kêu” khó khăn, trở ngại trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý phương tiện của các nhóm “cát tặc”.

Ông Rơ Châm Vân – Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh cho rằng, diện tích lòng hồ Ia Ly rất rộng lớn, chủ yếu nằm trên ranh giới hành chính của tỉnh Kon Tum, Gia Lai chỉ chiếm phần diện tích nhỏ. Trong khi các mỏ cát phân bố dọc theo địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum).

Vì vậy, các tàu thuyền thường xuyên hút cát trộm ban đêm ở Kon Tum, rồi khi bị phát hiện truy đuổi thì chạy trốn về phía Gia Lai, bỏ lại tàu trên khu vực lòng hồ.

“Khai thác cát của Kon Tum thì chính quyền xã, huyện, sở ngành, Cảnh sát môi trường bên phía Kon Tum phải tăng cường xử lý, bắt quả tang. Ở bên Gia Lai, các tàu chỉ nằm bờ, trên tàu không có cát, thậm chí không có chủ tàu, chính quyền địa phương nếu có kiểm tra thì cũng không có lý do gì để xử phạt hành chính được.

Kiểm tra, xử phạt phương tiện đường thủy vi phạm thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát giao thông, theo phân cấp, phân quyền, mức độ vi phạm”, ông Rơ Châm Vân nói.

Lòng hồ phía thị trấn IaLy trở thành bến đỗ, neo đậu của nhóm tàu hút cát trái phép. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo ông Vân, đoàn liên ngành Kon Tum mỗi lần sang họp bàn với UBND huyện Chư Păh (Gia Lai) trong không khí căng thẳng, yêu cầu địa phương phải xử lý “cát tặc”, phương tiện vi phạm, bến bãi tập kết trái phép theo công văn phối hợp giữa 2 tỉnh.

Tuy nhiên, thẩm quyền, phạm vi xử lý của địa phương có giới hạn, quan trọng nhất vẫn là việc bắt quả tang “cát tặc” hút cát trên hồ của các đơn vị Kon Tum. Chỉ có bắt quả tang hút cát mới có cơ sở để xử lý.

Trong khi đó, ông Võ Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho rằng, vào ngày 19.4, đoàn liên ngành đi kiểm tra phát hiện 2 bãi tập kết cát khai thác cát đã dừng hoạt động, dấu vết san gạt còn mới ở thị trấn Ia Ly. Ngoài ra, trên lòng hồ còn có 7 tàu, trên tàu không có chủ đang neo đậu trên lòng hồ thủy điện.

“Đúng ra, chính quyền, công an phía thị trấn Ia Ly phải đi kiểm tra thường xuyên, xử lý các điểm tập kết cát trái phép, xử lý phương tiện ra vào vận chuyển vi phạm. Đồng thời kiểm tra các chủ tàu đang neo đậu dọc lòng hồ.

Theo giấy phép đăng ký, chỉ có duy nhất 1 tàu của Công ty TNHH Tài nguyên môi trường Hoàng Long được đăng ký hoạt động khai thác, trong khi trên hồ có 7 tàu. Nếu tàu đó không chở cát, khai thác cát trái phép thì hoạt động nhằm mục đích gì, tại sao không xử lý?”, ông Hải đặt vấn đề.

Theo ông Hải, thực tế “cát tặc” hoạt động rất tinh vi, lén lút vào ban đêm nên khó phát hiện bắt quả tang, khi truy đuổi thì chúng trốn chạy về địa phận Gia Lai. Chỉ có việc xử lý chủ tàu, tạm giữ phương tiện, truy quét bãi tập kết cát lậu mới ngăn chặn hiệu quả việc khai thác khoáng sản hồ Ia Ly, một trong những lòng hồ thủy điện lớn trên cả nước.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn