MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cổ đông trình bày với luật sư Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động.

Kỳ cuối: Những vụ kiện... nửa chừng

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 07/04/2016 08:34
Nguyên đơn khởi kiện mà không xác định được những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết với bị đơn, hay khởi kiện rồi đến khi tòa triệu tập lại vắng mặt. Chuyện tưởng như đùa, nhưng lại là sự thật của một nhóm nhân viên, giảng viên, lãnh đạo Đại học Hoa Sen (HSU) trong hai vụ kiện dưới đây.

Khởi kiện rồi… vắng mặt

Như báo Lao Động đã phản ánh trong bài viết trước, Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHCĐBT) ngày 2.8.2014 của HSU đã ban hành nghị quyết bãi miễn 6/7 thành viên HĐQT và BKS đương nhiệm, bầu thay thế và bổ sung HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2. Ngay sau đó, ngày 12.8.2014, hai thành viên HĐQT của HSU là ông Trần Văn Tạo, bà Bùi Trân Phượng và 4 thành viên BKS của HSU đã có đơn yêu cầu TAND tuyên hủy nghị quyết ĐHĐCĐBT ngày 2.8.2014 và hủy bỏ toàn bộ kết quả bầu mới thành viên HĐQT và BKS do đại hội bầu ra. Trong đơn yêu cầu này, những người yêu cầu đã nêu một số lý do cho rằng ĐHĐCĐBT nói trên là bất hợp pháp. Những người yêu cầu nói trên đã ủy quyền cho ông L.N.L (có hợp đồng công chứng ủy quyền) để giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc, TAND TPHCM đã tống đạt giấy triệu tập dự phiên họp hợp lệ cho ông L.N.L, nhưng cả hai lần khi tòa mở phiên họp, thì cả người được ủy quyền lẫn người yêu cầu đều vắng mặt. Chính vì thế, TAND TPHCM đã phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự “Yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐBT của HSU ngày 2.8.2014”. Quyết định này đến nay đã có hiệu lực pháp luật do không có ai kháng cáo, kháng nghị.

Kiện mà không xác định được yêu cầu đối với bị đơn

Một vụ kiện khác cũng khá khôi hài do một nhóm nhân viên, giảng viên và lãnh đạo HSU khởi kiện Cty I-Connect. Theo hồ sơ chúng tôi có được, Cty I- Connect được thành lập năm 2012, với số vốn điều lệ ban đầu là gần 51,5 tỉ đồng. Khi đó, một số cổ đông đang nắm giữ cổ phần tại HSU đồng ý góp vốn thành lập Cty CP I-Connect này. Họ đã tham gia đại hội cổ đông, thông qua nghị quyết bầu HĐQT, bầu chủ tịch HĐQT, thậm chí đã được Cty CP I- Connect trả tạm ứng cổ tức năm 2013 là 20%. Cụ thể, một số người được nhận cổ tức do Cty CP I-Connect chi trả như bà Bùi Trân Phượng 375,3 triệu đồng, ông Đỗ Sỹ Cường 203 triệu đồng… Sau ĐHĐCĐBT ngày 2.8.2014, ngày 19.9.2014, nhóm nhân viên, giảng viên, lãnh đạo HSU đã khởi kiện và yêu cầu TAND TPHCM tuyên Cty I-Connect phải hoàn trả toàn bộ số cổ phần của những người này tại HSU cùng với cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2013 mà Cty I-Connect đã nhận phát sinh từ số cổ phần nói trên tại HSU. Những người khởi kiện này đã ủy quyền cho hai bà T.M.L và L.Q.V làm đại diện cho mình để giải quyết vụ việc.

Tại phiên hoà giải ngày 8.5.2015, đại diện theo ủy quyền của nhóm nguyên đơn trên cho biết, có 34 người là cổ đông của Cty I-Connect không đồng ý là cổ đông của Cty này nữa, mà họ cho rằng vẫn là cổ đông của HSU. Những cổ đông này đã có văn bản gửi cho HSU với nguyện vọng chuyển lại cổ phần đã góp từ Cty I-Connect về lại HSU.

TAND TPHCM đã yêu cầu người được nhóm nguyên đơn trên ủy quyền bổ sung một số giấy tờ, nội dung khởi kiện. Tuy nhiên, người được ủy quyền này “không bổ sung được đơn khởi kiện, hình thức và không xác định được những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết đối với bị đơn”. Chính vì thế, TAND TPHCM đã phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Và quyết định này cũng không có ai kháng cáo, kháng nghị. Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn luật sư TPHCM, phân tích: Nguyên tắc của khởi kiện thường gồm 4 yếu tố: Ai kiện, kiện ai, kiện về việc gì và kiện để đòi cái gì. Việc các nguyên đơn của HSU kiện Cty I-Connect mà “không xác định được những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết đối với bị đơn” chả khác nào đi kiện mà không biết kiện cái gì.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn