MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỷ luật học sinh "xúc phạm nhóm nhạc BTS": "Trẻ sai phải trách người lớn"

Phan Anh - Hà Phương LDO | 08/11/2019 08:17
Thông tin một nam sinh tại TP.Hồ Chí Minh bị đình chỉ học, hạ hạnh kiểm, lao động công ích và đọc kiểm điểm trước toàn trường vì xúc phạm một nhóm nhạc Hàn Quốc gây nhiều tranh cãi.

Hình phạt khá nghiêm trọng

Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, hình phạt trên là khá nặng:

"Tôi khá băn khoăn và cảm giác hình phạt đó khá nghiêm trọng. Hành vi của học sinh là bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội. Còn hình thức kỷ luật của nhà trường lại là hạ hạnh kiểm học sinh, cho đọc kiểm điểm trước cả nghìn người... Dưới góc độ tâm lý, việc làm này có thể gây tổn thương lòng tự trọng của học sinh.

Nếu là tôi, tôi cũng có thể sẽ phê bình, hạ hạnh kiểm học sinh trong 1 học kỳ, nhưng tôi sẽ không bắt học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, bởi sẽ làm tổn thương tâm lý của em đó".

Em M.Q đọc bản kiểm điểm trước toàn trường. Ảnh: Cắt từ clip

Chị Huỳnh Kim Huê (phụ huynh có con theo học tại một trường trên địa bàn TPHCM) nói: "Những hành vi của nam học sinh này là sai, nhưng chỉ tiếc là nhà trường đã phạt con khá nặng.

Tôi hay các bạn đều từng trải qua thời gian ngồi trên ghế nhà trường, nếu tôi phải đứng trước cả nghìn người đọc bản kiểm điểm, chắc chắn tôi sẽ vô cùng xấu hổ và không muốn đi học nữa. Các con đang tuổi cần được chỉ dạy nên phạt vẫn phạt nhưng các con xứng đáng được nhận sự chỉ dạy nhiều hơn".

Trẻ sai phải trách người lớn trước

Bà Khuất Thu Hồng cho rằng, trẻ em hành xử như thế nào trên mạng xã hội thuộc trách nhiệm của nhà trường và gia đình.

Bà Hồng cho rằng, nhà trường và gia đình giáo dục các em, giúp các em có hành trang vào đời đúng đắn, đầy đủ, an toàn nhất: "Trong thời đại công nghệ 4.0, việc xây dựng hành vi đúng mực rất quan trọng. Những hành vi, ứng xử trên mạng xã hội đôi khi nhiều hơn sống ở ngoài đời thực. Quá trình đó cần được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong trường.

Chúng ta đã dạy các em gặp người lớn phải chào hỏi, lễ phép với người già..., tuy nhiên nhà trường đã dạy những kỹ năng ứng xử đúng mực trên mạng xã hội chưa?".

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội. Ảnh: LDO

"Các em có thể đi quá giới hạn mà chính các em không biết bởi các em chưa được giáo dục, chưa được dạy như thế nào là giới hạn. Ngay bây giờ, chương trình giáo dục cần có nội dung dạy các em ứng xử cả trên mạng xã hội", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói: “Các trường cần đưa cách ứng xử, giao tiếp trên mạng xã hội vào chương trình giáo dục. Trên mạng cũng phải như ngoài đời. Giáo dục cho các em không phải các em lên mạng nặc danh rồi muốn làm gì thì làm.

Tôi cho rằng nên đánh giá mức độ ảnh hưởng và đánh giá quy trình kỷ luật cậu học sinh này. Hình thức kỷ luật nên làm cho học sinh tự nhận thức được những thiếu sót của mình. Bên cạnh đó, những học sinh khác cũng nhìn vào đó để rút kinh nghiệm và học tập, không phạm lại lỗi đó nữa chứ không phải đầy ải học trò”.

Trước đó như Lao Động đã thông tin, Trường THCS Ngô Quyền thông báo hình thức kỷ luật N.H.M.Q. - một nam sinh học lớp 8 bằng việc cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập trong 4 buổi (từ ngày 6 đến ngày 9-11-2019; Q vẫn đến trường nhưng không được vào lớp mà ngồi ở phòng giám thị và có nhiệm vụ mượn tập của bạn để chép bài đầy đủ), hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ 1 năm học 2019-2020.

Nguyên nhân: M.Q. đã lập một fanpage có tên "Anti BTS in VietNam", sau đó đăng một loạt bài có nhiều lời lẽ, hình ảnh rất thô tục và bậy bạ, xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, cộng đồng fan của BTS (ARMY).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn