MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2019 - 2020. Ảnh: Hải Nguyễn

Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội có nhất thiết phải "nóng" thế không?

Thuỳ Chi (Hà Nội) LDO | 02/03/2021 09:51

Từ 2.3, học sinh Hà Nội trở lại trường sau kỳ nghỉ dịch dài, con gái tôi bắt đầu tăng tốc cho kỳ thi vào 10 của Hà Nội, vốn đang có nhiều ý kiến trái chiều cho sự thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội có nhất thiết phải "nóng" thế không?

Thi cử sẽ đâu vào đó cả, đừng lo

Cũng thật tình cờ, năm nay tôi cũng thực hiện khá nhiều những buổi trò chuyện định hướng cho các bạn học sinh lớp 9 trong những bước chập chững đầu tiên tìm hiểu về bản thân mình trước khi ra quyết định chọn Trường THPT, chọn ban.

Khi làm việc với các bạn ấy, lúc vui nhất là khi các bạn ấy thích thú khi quay lại nhìn vào bản thân mình qua năng lực học tập, qua các sở thích cá nhân và khả năng của mình... Còn "ít vui" hơn khi nhận ra rằng, sự quyết định học trường gì, ban gì không hẳn là quyết định của các bạn ấy, mà đến từ bố mẹ, các bậc phụ huynh.

Trở lại với kỳ thi vào 10 hiện nay, đúng là nó khốc liệt thật. Đầu tiên là con số 62% học sinh vào được trường công lập.

Sau là các chỉ tiêu tuyển sinh vào trường chuyên lớp chọn nó cứ tính hàng chục, hàng trăm... trong khi con số học sinh cứ ngót nghét vào trăm ngàn. Nghe thật sự hốt, nhất là với những phụ huynh có con chuẩn bị hoặc sắp vào 10.

Nhưng với kinh nghiệm 3 năm trước đã trải qua kỳ thi này, tôi tin rằng, việc thi cử rồi đâu cũng vào đó cả. Thay vì quá chú trọng chọn trường thì việc quan tâm đến khả năng và năng lực học tập của con để từ đó tiếp tục đồng hành với con trong những năm cấp 3 thì có lẽ sẽ bớt áp lực hơn, cho cả con và mẹ.

Tôi cũng tin rằng, Hà Nội có đủ mô hình học tập cho tất cả các bạn học sinh, theo từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình và đủ để mỗi bạn học sinh có thể phát huy tốt nhất năng lực cá nhân.

Vì sao tôi lại tin như vậy?

Tôi đồng ý là một ngôi trường top 1 (như đang có phân loại ngầm như vậy) và các thầy cô giáo giỏi sẽ khiến cho phụ huynh yên tâm hơn khi gửi gắm con cái vào đó. Mình cũng đồng ý là ở môi trường đó các học sinh sẽ có kết quả học tập cao hơn các trường top 2, top 3.

Nhưng kết quả học vấn chỉ đánh giá một phần năng lực của học sinh thôi. Trong khi cánh cửa Đại học, Cao Đẳng càng ngày càng rộng mở với các bạn cấp 3, đặc biệt là học sinh Hà Nội với nhiều ưu thế và điều kiện học tập, thì môi trường nào càng giúp các bạn học sinh có điều kiện phát huy các kỹ năng giao tiếp xã hội, có thời gian làm việc nhà với bố mẹ, có cơ hội trải nghiệm các công việc và nghề nghiệp tương lai của các em ấy... thì vẫn đáng chọn hơn ngôi trường chỉ có ưu tiên thành tích học tập thôi chứ nhỉ?

Tôi không phủ nhận vai trò của trường chuyên lớp chọn, đó là môi trường để các bạn Thích học, Mê học, Yêu thích việc học tập để các bạn ấy thoả nguyện. Nhưng tôi nghĩ, số đó ít lắm, ít như số lượng trường chuyên ở Hà Nội.

Còn lại là các bạn đang ít nhiều hoang mang về bản thân, chưa biết mình giỏi gì muốn gì, thì cần có nhiều môi trường tạo điều kiện cho trải nghiệm, bên ngoài việc học.

Tôi xin kể câu chuyện ngay ngày hôm qua thôi, tôi gặp lại cậu bé bằng tuổi con trai tôi, sinh năm 2003, đang học ở một trường THPT không tên tuổi ở Thanh Trì, nhưng bạn trông rất chững chạc, trò chuyện tự tin với những người lớn tuổi.

Mẹ bạn kể, bạn còn làm các việc vặt trong nhà như sửa điện nước, nấu nướng, sắp đặt nhà cửa, đưa đón em đi học... thi thoảng chở mẹ đi công việc rất thành thạo. Thử hỏi, học sinh Top 1 mấy bạn có kỹ năng xã hội được như bạn ấy?

Quay trở lại với con gái tôi đang chuẩn bị vượt cấp, bạn ấy cũng đặt vài mục tiêu học tập cao hơn khả năng của bạn ấy một chút. Không sao, mình khuyến khích để con cố gắng. Cùng bạn ấy nhìn nhận thẳng thắn về các môn học để cùng cải thiện.

Bên cạnh đó, mình và con ngồi nói chuyện về những dự định xa hơn mà bạn muốn khi học cấp 3, thậm chí khi vào Đại học để tiếp tục chọn thêm một số "option" khác. Rồi bạn đặt thứ tự ưu tiên, sau đó học tập một cách thoải mái.

Rõ ràng, rút kinh nghiệm với cậu con trai, lần này tôi và con gái có tâm lý tốt hơn rất nhiều, do đó, không khí học tập cũng không có gì quá căng thẳng. Các tác động của chính sách thi cử thi thoảng cũng được bọn mình bàn tới, tuy nhiên, việc chuẩn bị cho cả chính sách nếu có thay đổi cũng có rồi, cho nên, bọn mình chỉ lo chút xíu thôi.

Bởi thế, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội không "nóng" thế đâu, tuỳ vào suy nghĩ và sự chuẩn bị của mỗi học sinh, mỗi bậc phụ huynh thôi.

Tôi và con gái tôi đã rất sẵn sàng, kể cả có những chính sách có thể sẽ thay đổi trong tuyển sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn