MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lại bàn về danh xưng Thổ Châu: Không nên làm xáo trộn lịch sử

Nguyễn Hữu Hiệp (TP. Phú Quốc) LDO | 29/01/2023 09:29
Sau khi đăng loạt bài bàn về danh xưng Thổ Châu, Báo Lao Động tiếp tục đăng tải ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

Liên tiếp trong hai ngày 24-25.1.2023, Báo Lao Động có bài viết bàn về danh xưng Thổ Châu của TP. Phú Quốc tỉnh Kiên Giang: “Xin đừng gọi “Thổ Châu” là “Thổ Chu” và "Phải gọi đúng tên Thổ Châu là Thổ Châu".

Cả hai bài viết đều được quan tâm, vì điểm nhấn của vấn đề không gì khác hơn là mong muốn phải tôn trọng lịch sử, hay nói một cách khác, không nên làm xáo trộn lịch sử.

Đỉnh núi hình chiếc nón, hình ảnh đặc trưng của ngọn núi tại Bãi Ngự, xã Thổ Châu. Ảnh: Lục Tùng

Theo chiều hướng đó, tôi cũng góp thêm ý kiến. Qua bài viết “Xin đừng gọi “Thổ Châu” là “Thổ Chu”, ta thấy tất cả các tư liệu dẫn ra đều xuất bản sau Cách mạng tháng Tám, tức lúc chế độ quân chủ của nhà Nguyễn đã cáo chung.

Từ đó, nhiều luật lệ thời Nguyễn tất nhiên không còn giá trị. Lệ kỵ húy cũng không khác. Chính vì vậy nên tên những vị trong hoàng tộc (9 chúa, 13 vua)... được đặt, gọi một cách rất vô tư, tức không phải tránh tên như lệ kỵ húy.

Trụ sở HĐND, UBND xã Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Lục Tùng

Trở lại danh xưng Thổ Châu, về tên gọi, ta thấy hai tiếng Thổ Châu xuất hiện khá sớm, tận từ thời Nguyễn.

Theo “Quốc triều chánh biên toát yếu”, khi nói về quá trình Nguyễn Ánh bôn ba trốn tránh Tây Sơn có đoạn viết:  “Mùa Đông năm Bính Thân (1776), Ngài ra cù lao Thổ Châu, đem binh Long Xuyên đến Sa Đéc (thuộc An Giang)”, và “năm Ất Tỵ (1785), tháng Giêng, Ngài trú tất ở Thổ Châu”.

Trong “Đại Nam nhất thống chí” (quyển XXVI), phần tỉnh Hà Tiên (phần Núi sông) cũng ghi nhận hòn Thổ Châu nằm ở ngoài biển về huyện Hà Châu, cách bờ hai ngày rưỡi đường; lại có tên là Hòn Châu Dầu, chu vi chừng trăm dặm, cây cối xanh um, hang động âm u, sản xuất yến sào, đồi mồi, con vích, hải sâm; trên cù lao có dân cư. Đầu đời Trung hưng, Thế tổ Cao Hoàng Đế từng đỗ thuyền ở đấy”. 

Trường mầm non ở xã Thổ Châu. Ảnh: Lục Tùng

Còn “Gia Định thành thông chí” (tập Thượng, tr. 111) cũng ghi nhận: Đảo Thổ Châu ở biển phía Đông trấn, chu vi hơn 100 dặm, làm cái án xa cho đạo Long Xuyên và Kiên Giang, nơi đây cây cối xanh rì, nham động u ảo, có chim hải yến làm tổ và các loại đồi mồi, ba ba, hải sâm sinh ở dưới vực; lại có dân cư đều theo nghề chài lưới.

Về địa lý, đồng tác giả Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu, trong sách "Xiêm La quốc - lộ trình tập lục" (viết về giao thông thủy bộ Việt - Xiêm năm 1810, do Phạm Hồng Quân giới thiệu và trích dịch): "Từ Phú Quốc theo hướng Thân [Tây Tây Nam] băng qua biển khơi, xuôi theo gió Đông, cánh buồm quay hướng Bắc, thủy trình 1 ngày đến hòn Thổ Châu.

Con tàu chạy tuyến Phú Quốc - Thổ Châu cũng mang tên Thổ Châu 09. Ảnh: Lục Tùng

Từ Cổ Ong theo hướng Thân băng qua biển khơi, xuôi theo gió Đông, cánh buồm quay hướng Bắc, thủy trình nửa ngày đến Hòn Thăng [Kas Tang]. Từ hòn Thổ Châu theo hướng Nhâm [cận chánh Bắc] băng qua biển khơi, xuôi theo gió Đông, thủy trình 2 ngày đến Hòn Thăng. Từ hòn Thổ Châu theo hướng Nam băng qua biển khơi, xuôi theo gió Đông, thủy trình 1 ngày đến Hòn Bà. Từ Hòn Thăng theo hướng Nam băng qua biển khơi, xuôi theo gió Đông, thủy trình 1 canh đến Hòn Bà".

Băng rôn các đoàn chúc Tết cũng ghi nhận là Thổ Châu. Ảnh: Lục Tùng

Còn theo “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Đình Tư (NXB Chính trị Quốc gia, 2008) thì: “Thổ Châu là xã thuộc quận Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang, từ 2.5.1973 gồm đảo Thổ Châu và các đảo lân cận. Sau 30.4.1975 giải thể. Ngày 24.4.1994 lập lại thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang do tách từ xã An Thới”.

Cho đến ngày 9.12.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập Thành phố Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Phú Quốc, xã Thổ Châu thuộc TP. Phú Quốc tỉnh Kiên Giang như hiện nay.

Rõ ràng, chí ít cũng từ hàng trăm năm trước, sách sử đã viết là cù lao/hòn “Thổ Châu” và trong hệ thống hành chính, hai chữ/tiếng "Thổ Châu" tự xưa đến nay không thay đổi, tức chính quyền vẫn tôn trọng lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn