MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ sau bữa cơm rượu thịt, hàng trăm ha đất nông nghiệp của bà con dân tộc Lào (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã được một cặp vợ chồng thu mua. Ảnh: AT

Lai Châu: Cần làm rõ việc mua, "găm" hàng trăm ha đất để "đón" dự án

Nhóm PV LDO | 09/08/2022 16:00

Lai Châu - Nhiều hộ dân đang sinh sống tại xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, đang mong mỏi được lấy lại diện tích đất nông nghiệp mà theo họ, vì thiếu hiểu biết nên đã bán đi trước đó.

Sau bữa cơm rượu, mua trăm ha đất

Phản ánh tới Báo Lao Động, hàng trăm hộ dân đang cư trú tại các bản Nà Hiềng, Nà Tăm II, Coóc Cuông, Na Cà (thuộc xã Nà Tăm và Bình Lư)... đã nêu ra nhiều điểm khó hiểu trong việc mua bán đất của họ với cặp vợ chồng ông Bùi Văn Hùng và bà Lý Thị Thơm.

Theo đó, các hộ dân cho rằng vợ chồng ông Bùi Văn Hùng - Lý Thị Thơm đã có thông tin từ trước của dự án đường kết nối cao tốc chuẩn bị xây dựng nên đã thu mua lượng lớn đất nông nghiệp, đất trồng lúa với lý do "xây dựng trang trại".

Những tập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo hợp đồng mua bán đất của các hộ dân.

Cụ thể, theo nội dung phản ánh, trong thời gian khoảng 4 năm (2018 - 2021) vợ chồng ông Hùng, bà Thơm đã vào các bản Nà Hiềng, Nà Tăm II, Nà Kiềng... nói với các hộ dân rằng có nhu cầu thu mua lượng lớn diện tích đất nông nghiệp (khoảng 120ha) để làm trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê; đồng thời, hứa sẽ nhận bà con vào làm việc trong trang trại.

Bản sao hợp đồng mua bán đất mà các hộ dân được cầm.

Thế nhưng sau nhiều năm, trang trại chẳng thấy đâu, chỉ thấy lộ rõ mục đích chính của cặp vợ chồng Hùng, Thơm khi thu mua diện tích đất trên để đón đầu dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Lò Văn Pịm (trú bản Na Cà, xã Bình Lư) bức xúc: "Tôi có đất nông nghiệp nằm bên xã Nà Tăm, thực chất họ mua đất về để đợi dự án đường giải phóng mặt bằng rồi lấy tiền chênh lệch".

Cũng theo nội dung mà các hộ dân phản ánh, chi tiết gây khó hiểu cho bà con trong các bản hợp đồng mua bán đất, lời chứng của Chủ tịch UBND xã Nà Tăm - ông Nguyễn Văn Chiến có nêu: "Hợp đồng mua bán đất được lập 4 bản chính giao cho bên A (bên bán) 1 bản, bên B (bên mua) 2 bản và 1 bản lưu tại UBND xã Nà Tăm".

Lời chứng của Chủ tịch UBND xã Nà Tăm trong mỗi bản hợp đồng mua bán đất.

Thế nhưng tất cả các hộ dân đều khẳng định, họ không được cầm bản chính của bất kỳ hợp đồng mua bán đất đai nào.

Lời chứng khó hiểu

"Vợ chồng nhà Hùng, Thơm vào đây hỏi mua đất của gần như cả bản Na Cà cùng với các bản xung quanh Nà Hiềng, Nà Luồng... Rồi tối hôm đó vợ chồng nhà này gọi mọi người đi ăn thịt chó, uống rượu rồi ký tên vào biên bản bán đất luôn thôi, mà đất họ mua nằm gọn lỏn trong khu đền bù cho dự án đường, sau này chúng tôi mới biết", ông Lò Văn Pịm tiếp tục phân trần.

Trao đổi với PV, ông Lò Văn Sòi - Trưởng thôn Coóc Cuông (Nà Kiềng trước đây) - cho biết: "Đúng là ở bản này có một số hộ dân bán đất cho vợ chồng ông bà Hùng - Thơm, hiện giờ những hộ dân đó có đang gửi đơn khiếu nại mong được lấy lại đất, cụ thể những hợp đồng mua bán đất ấy ra sao tôi không nắm được rõ".

Trên hợp đồng mua bán viết, trụ sở UBND xã Nà Tăm là nơi diễn ra các giao dịch.

Đặc biệt, những hộ dân khẳng định trong những lần ông Hùng, bà Thơm vào đo đạc, mua đất đều có ông Phạm Hải Triều - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tam Đường, đi theo với chiếc máy định vị và bản đồ các khu đất trên tay.

Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Nà Tăm - Ông Nguyễn Văn Chiến, xác nhận với Lao Động: "Đúng là có đơn thư, khiếu kiện của bà con trong xã gửi tới UBND xã. Mới đây, xã đã tiến hành tiếp dân để có cơ sở tiếp tục xác minh điều tra theo nội dung bà con phản ánh".

Ông Lò Văn Pịm chỉ tay về khoảnh đất ông vì thiếu hiểu biết mà bán đi.

Để làm rõ những vấn đề này, PV đã liên lạc với ông Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường. Qua điện thoại, ông Páo cho hay: "Phía huyện đã tiếp nhận đơn khiếu nại của bà con, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng và các bên liên quan để xác minh làm rõ nội dung khiếu nại".

Theo tìm hiểu, vào ngày 4.8 Ban tiếp công dân của UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản chuyển đơn, nội dung khiếu nại của các hộ dân tại xã Nà Tăm về UBND huyện Tam Đường giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23.9.2022.

Theo Luật sư Trần Đại Lâm - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, theo Luật đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Điều đó đồng nghĩa với việc đối với những người không trực tiếp sản xuất nếu thực hiện chuyển nhượng đối với “chủ đất” hợp đồng này sẽ không được thừa nhận do vi phạm điều cấm của Luật, Tòa án sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu hai bên trao trả cho nhau những gì đã nhận.

Việc giao dịch, chuyển nhượng đất cho người không trực tiếp sản xuất có dấu hiệu của việc “găm đất”, “giữ đất” nhằm chờ giá lên cao hoặc chờ quy hoạch là dấu hiệu của việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nhằm trục lợi, nếu người dân biết xem quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; biết yêu cầu cơ quan chức năng công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ không có chuyện chuyển nhượng đất gây thiệt hại kinh tế cho chính mình.

Trong trường hợp những hộ dân nêu trên, các hợp đồng nếu vi phạm điều cấm của Luật người bán (bên chuyển nhượng) có thể yêu cầu Toà tuyên bố huỷ hợp đồng dân sự để đòi lại đất.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ có tổng mức đầu tư gần 5.340 tỉ đồng đi qua 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự án gồm 2 tuyến, thực hiện trong 5 năm: tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài hơn 51 km và tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km.

Theo đó, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai 132,8 km đường nâng cấp cải tạo, hơn 14 km đường xây dựng mới và xây dựng 17 cây cầu với chiều dài 730m đi qua các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Tại huyện Tam Đường, dự án có hai gói thầu XL-06 với chiều dài tuyến khoảng 6km, đi qua 2 xã Bản Bo, Nà Tăm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn