MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lại rộ chuyện “trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà”

Lục Tùng LDO | 18/07/2020 16:03
Sau thời gian tạm lắng khi các chuyên gia phân tích, khẳng định chỉ là sự ngộ nhận, mấy ngày nay, câu chuyện “trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà” ở An Giang lại rộ lên khi một đài truyền hình địa phương vừa đăng clip thông tin: “Lão nông cho lúa ăn trứng, uống sữa”.

Trong clip dài hơn 3 phút, ông Dương Xuân Quả (cha ông Dương Xuân Vũ), nông dân trồng lúa tại xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, chủ nhân của đám ruộng ứng dụng “công nghệ cho lúa ăn trứng, uống sữa” cho biết, trước khi cấy lúa có bón lót phân vôi Địa Long, có chứa phân lân và ma – nhê, sau đó tiếp tục bón trứng gà sống và sữa. Tuy nhiên, khác với vụ Đông Xuân 2019-2020, gia đình ông Quả bón 900kg vôi, 120 trứng gà, 120 bịch sữa tươi/ha là có thể thay thế phần lớn lượng phân, thuốc so với cách canh tác truyền thống, vụ Hè thu này, tỷ lệ số lượng trứng và sữa bón lúa giảm lại.

Đám ruộng trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà sống của gia đình ông Dương Xuân Quả. Ảnh: TL

Trong clip, ông Quả cho biết chỉ bón 30 trứng gà và 30 bịch sữa tươi/ha lúa, nhưng năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Đặc biệt hơn là, ông Quả cho biết, gạo này sau khi được sấy thành gạo sữa, có giá khá cao, lên đến tận 35 ngàn đồng/kg và được một công ty phân phối khắp 13 tỉnh ĐBSCL.

Ngay sau khi clip xuất hiện, nhiều cá nhân, tập thể quan tâm đến lĩnh vực cây lúa nhanh chóng vào cuộc, lên tiếng về cách làm thiếu căn cứ khoa học này. 

GS.TS Nguyễn Tử Siêm - Ban Biên soạn Bách khoa thư Nông nghiệp và Thủy lợi Việt Nam - cho biết, trước hết là sai kiến thức cơ bản về con đường cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa. Theo GS Siêm, căn cứ trình bày trong clip này, thì nông dân cung cấp trứng và sữa tươi cho cây lúa qua đường phun xịt. Điều này trái ngược với nguyên lý bón vào ruộng vốn được xem là phương thức cung cấp tốt nhất cho cây lúa.

GS Siêm cho biết: “Vôi bón vào đất ngoài việc cung cấp canxi còn trung hòa độ chua, các phân khác bón vào đất qua quá trình chuyển thành dạng dễ tiêu cây mới có thể hấp thu qua rễ. Phun xịt lên cây là cách bón phân qua lá. Khác với động vật, thực vật không có khả năng hấp thu trực tiếp dưỡng chất qua lá từ sữa, trứng là các protein thô, cao phân tử, không thể thấm qua khí khổng và lớp biểu bì mặt lá”.

Ngoài ra, theo GS Siêm, đến nay các tài liệu thế giới chưa có ai khuyến cáo sử dụng sữa tươi để làm phân phun cho cây trồng. Chỉ vi sinh vật có men protease để phân rã protein thành polypeptide, rồi thành amino a-xít hay nguyên tố dinh dưỡng dễ tiêu. Còn với cây lúa, thì protein của sữa, hay trứng có kích thước phân tử rất lớn nên lá hay rễ không hấp thu được.

Gạo sữa mang thương hiệu Dương Xuân Quả được chế biến từ lúa trồng theo phương pháp bón sữa tươi, trứng gà sống. Ảnh: TL

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, nhà nghiên cứu độc lập nông nghiệp ở Đồng Tháp cũng khẳng định: “Thực vật nói chung, cây lúa nói riêng chỉ hấp thu các chất dinh dưỡng là khoáng, gồm 3 khoáng đa lượng (N, P, K); 3 khoáng trung lượng (S, Ca, Mg); và 7 khoáng vi lượng (Fe, Mn, Zn, Cu, Mo, B, Cl)”. Theo ông Tuyên, thực vật cũng khác động vật là không có các enzyme để phân hủy bột (amylase), protein (protease) và chất béo (lipase) nên không thể hấp thu được các dinh dưỡng của sữa và trứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn