MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng sẽ bị đóng một phần để sửa chữa trong thời gian gần 2 tháng. Ảnh: PV

Làm đường một nơi, thu phí BOT một nẻo, giờ đã rõ hậu quả, dân phải gánh

Thanh Hải LDO | 18/03/2022 10:05

Hai hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng trên QL1A, đã đóng cửa 1 phần để sửa chữa. Lưu thông theo hướng Nam ra Bắc phải đi qua 2 đèo cũ trong thời gian gần 2 tháng, từ 16.3 đến ngày 29.4. Tuy nhiên, nhà đầu tư BOT vẫn thu đủ phí qua hầm bởi trạm thu phí BOT đặt tận cửa hầm Hải Vân bắc...

Thông báo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, từ 16.3 đến ngày 29.4, sẽ cấm một phần hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng trên QL1A, thuộc huyện Phú Lộc, TT-Huế. Để đảm bảo thi công trong thời gian sửa chữa hầm, lưu thông sẽ được phân luồng đi qua đèo cũ Phú Gia và Phước Tượng theo từng thời điểm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư BOT này vẫn duy trì mức thu phí qua các hầm mà không hề giảm giá vé cho các phương tiện...

Việc phân luồng là tất yếu, để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, sửa chữa hầm, đã được Cục Quản lý đường bộ II cấp phép. Nhưng, Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị khai thác, thu phí các dự án BOT qua các hầm này lại không giảm tiền thu phí qua hầm trong thời gian gần 2 tháng là điều không thể chấp nhận được.

Như Lao Động đã nhiều lần thông tin, để "lách" quy định không được đặt 2 trạm BOT đường bộ cách nhau dưới 70km, từ năm 2016, nhà đầu tư dự án 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng đã phải xin  tận dụng trạm BOT Bắc Hải Vân để thu phí. Bởi đoạn đường từ Huế vào Đà Nẵng chỉ hơn 80km, đã có 1 trạm BOT Phú Bài đặt ở giữa.

Từ tháng 9.2019, khi nhà đầu tư Đèo Cả thi công, mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân thành hầm đường bộ Hải Vân 2, dù chưa xong thì đã xin và được cho thu phí BOT.

Vì hầm Hải Vân chỉ cách hầm Phú Gia, Phước Tượng 12km, lại vi phạm quy định khoảng cách như nói trên, nên Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả xin được thu phí ghép với dự án hầm Phú Gia, Phước Tượng tại trạm Bắc Hải Vân - tức, thu chung 3 hầm vào 1 trạm BOT.

Từ đó, phí đường bộ qua trạm BOT Bắc Hải Vân có mức từ 110.000-280.000đồng/lượt, cao hơn gấp 3 lần so với trạm BOT thông thường nơi khác trên cả nước.

Quyền lợi của nhà đầu tư luôn được đảm bảo, dù là "lách luật", nhưng vì sao quyền lợi của dân thì không được xem xét, bảo vệ?. Dân không có sự lựa chọn khác, bởi các trạm BOT này đặt ngay trên QL1A. 

Mặt khác, 2 dự án hầm Phú Gia và Phước Tượng được xây dựng 1 nơi, nhưng được đặt trạm thu phí 1 nẻo - tức trạm thu phí BOT đặt tận cửa bắc hầm  Hải Vân - cách vị trí dự án 12km. Như vậy, nếu các phương tiện, người dân không muốn qua hầm, đi trên 2 đường đèo cũ thì cũng không thoát được việc phải đóng phí tại cửa hầm Hải Vân bắc.

Bây giờ nhà đầu tư sửa chữa, đóng một phần hầm, lưu thông buộc phải đi qua 2 đèo cũ, nhưng cũng không được giảm phí. 

Bất công này đã được cảnh báo, bị phản ứng của người dân, bị dư luận lên tiếng từ lâu - khi có nhiều dự án BOT xin đặt trạm thu phí sai vị trí. Làm dự án một nơi nhưng đặt trạm thu một nẻo - theo kiểu tận thu. Các dự án làm sau, thu phí trước, làm ít, nhưng thu nhiều... Tuy nhiên đến nay hậu quả vẫn không thể tránh và người gánh chịu lại là dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn