MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân cần tiếp cận các nguồn tin chính thống để chủ động phòng chống dịch SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.

Làm thế nào để công nhân không bị nhiễm tin giả về SARS-CoV-2?

Bảo Hân LDO | 09/03/2020 15:46
Vừa qua, ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19) thứ 17 (16 ca trước đó đã khỏi bệnh), mạng xã hội lại xuất hiện rất nhiều tin giả, tin chưa kiểm chứng liên quan đến bệnh nhân này.

Một trong những tin giả đó là nhiều người chia sẻ thông tin ca  nhiễm bệnh SARS-CoV-2 mới có thể đã tới dự lễ khai trương một thương hiệu thời trang lớn tại Hà Nội hay cách ly toàn bộ một khu đô thị vì có người nhiễm. Các thông tin này sau đó đều được xác định là sai sự thật.

Tại tỉnh Lào Cai, theo báo chí phản ánh, lực lượng an ninh phát hiện 4 tài khoản Facebook đăng các thông tin: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…", và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác"…

Công an xác định những thông tin sai sự thật này khiến dư luận hoang mang. Sau đó, Công an thành phố Lào Cai đã xác minh, triệu tập khẩn cấp chủ các tài khoản lên làm việc và xử lý…

Tin giả trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận không phải là mới. Trước đây, nhiều thông tin như này đã xuất hiện, nhưng cùng với sự lây lan của dịch SARS-CoV-2, tình trạng này còn diễn ra nhiều hơn. Không những gây hoang mang dư luận, tin giả còn ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực phòng chống dịch của chính quyền cũng như của người dân.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Tại Ấn Độ, trang qz.com mới đây đã liệt kê những thông tin giả, không xác thực về SARS-CoV-2 lan truyền trên các mạng xã hội của nước này, như: Tỏi, nước nóng có tác dụng bảo vệ khỏi bị nhiễm SARS-CoV-2; SARS-CoV-2 chỉ ảnh hưởng tới người già, còn trẻ con thì miễn nhiễm…  Những thông tin như này thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân.

Để phòng tránh tác động của những thông tin giả, nhiều công nhân đã có những biện pháp để tự phòng tránh. Anh Lê Trọng Hoành – công nhân một công ty sản xuất bao bì tại Lam Sơn- Thanh Hóa cho biết, anh rất ít khi đọc các đường link, thông tin chưa được kiểm chứng trên facebook về tình hình dịch SARS-CoV-2. Mọi thông tin, anh đều tiếp nhận qua thông báo của Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống. Những lúc không phải làm việc, anh đều dùng điện thoại để truy cập vào những trang báo chính thống, uy tín để đọc tin, nhất là những tin cập nhật về dịch SARS-CoV-2. “Qua theo dõi, tôi thấy thông tin về chống dịch SARS-CoV-2 tại Việt Nam rất minh bạch, kịp thời; các hướng dẫn về phòng chống bệnh cũng rất cụ thể, dễ hiểu”- anh Hoành cho hay.

Nhờ vậy, anh luôn chủ động nắm được các thông tin tình hình dịch bệnh một cách chính xác nhất; chủ động có những biện pháp tự bảo vệ mình, như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, không tụ tập nơi đông người, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Anh cũng không lâm vào tình trạng hoang mang, lo lắng trước những thông tin chưa được xác thực.

Ở góc độ công đoàn cơ sở, anh Đỗ Thanh Bình - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (công ty có quy mô 10.000 cán bộ, công nhân lao động) cho biết, hàng ngày, tại công ty, người lao động đều được nghe tuyên truyền vào giờ nghỉ những thông tin liên quan đến dịch SARS-CoV-2 (các biện pháp phòng tránh, cập nhật diễn biến dịch bệnh….). Công đoàn cơ sở và công ty đều khuyến cáo công nhân không nghe theo những thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội để tránh hoang mang, lo lắng.

Bên cạnh đó, nhiều người nêu ý kiến rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp đăng tin giả, tin không đúng sự thật để răn đe, góp phần giảm thiểu tình trạng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn