MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường cây gãy đè chết người trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM). Ảnh: Lê Phong

Làm thế nào để ngăn cảnh cây gãy đè chết người?

Bạn đọc Hoài Thương LDO | 26/09/2020 16:29

Đã xảy ra nhiều vụ cây gãy đè chết người đi đường tại các thành phố lớn. Không ai dám chắc sẽ không có những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Chiều ngày 24.9, cây cổ thụ trước Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (địa chỉ 279 Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10) bất ngờ bật gốc đổ ngang đường làm một người đàn ông đi xe máy bị thương nặng. Mặc dù được cấp cứu, nhưng nạn nhân sau đó đã tử vong.

Đây không phải là lần đầu tiên có những nạn nhân bị chết, bị thương vì cây xanh bật gốc. Trước đó, vào ngày 13.6, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, một người đàn ông 62 tuổi khi đang lưu thông trên đường Tô Hiến Thành, đoạn gần siêu thị Big C (P.15, Q.10) thì bất ngờ bị một cành cây gãy đổ, đè lên người, tử vong.

Tại Hà Nội cũng đã từng xảy ra nhiều vụ cây xanh gãy đổ dẫn đến chết người. Vào ngày 29.8.2019, tại phố Quảng Bá, Quảng An, Tây Hồ, 1 cây đổ đè chết một nam thanh niên mới 26 tuổi…

Nhiều người cho rằng, người bị tai nạn là không may mắn, là “trên trời rơi xuống” khi mà cây bị tác động bởi giông, bão. Nhưng nếu làm tốt việc chăm sóc, quản lý, theo dõi, đánh giá cây trong đô thị thì chắc chắn sẽ giảm thiểu nguy hiểm do cây đổ, gãy đối với tính mạng, sức khoẻ của người dân.

Trả lời báo chí sau vụ cây ngã làm chết người trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) ngày 24.9, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM - thừa nhận rất nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố cần được thay thế. Nhưng một trong những lý do chậm thay thế những cây cổ thụ già cỗi, sâu bệnh, có nguy cơ ngã đổ được ông Điệp viện dẫn là sợ dư luận phản ứng, "ném đá" khi thấy có cây bị đốn chặt.

Dư luận phản ứng khi cây bị đốn, chặt là có, bởi lẽ với tốc độ “bê tông hoá” như hiện nay tại các đô thị, mỗi một cây xanh đều cực kỳ quý giá, mang lại bóng mát, góp phần giúp không khí bớt ngột ngạt, nóng bức.

Nhưng chắc hẳn sẽ không người dân nào phản đối việc chặt đi một cây đã bị mục ruỗng, sâu bệnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, thực tế, có rất nhiều cây nhìn bề ngoài rất khoẻ mạnh, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây thương vong cho người đi đường. Đó là trong những trường hợp cây bị bật gốc khi có phần thân cây nặng mà rễ không chắc chắn; hoặc đất ở gốc bị xói lở; hoặc do kỹ thuật chăm sóc, trồng cây không đúng…

Từ thực tế này, phải chăng mỗi cây trong đô thị cần có một hồ sơ sức khoẻ đầy đủ, từ nguồn gốc cây, khi trồng đến quá trình chăm sóc; kỹ thuật chăm sóc, tình trạng của cây, hiện trạng đất ở gốc cây… để xác định cây đã đến lúc bị thay hoặc chặt cành hay chưa? Có cần gia cố cho gốc cây hay biện pháp gì để hỗ trợ an toàn hay không?

“Hồ sơ sức khoẻ” này cần được cập nhật thường xuyên và công khai cho người dân quan tâm được biết. Làm được như vậy, người dân sẽ nắm được tình trạng cây và không phản đối nếu cây thực sự đã “già yếu”, cần thay thế. Người dân cũng có thể cung cấp những thông tin liên quan đến tình trạng cây, hoặc “hiến kế” giúp việc quản lý cây được tốt hơn.

Không chỉ vậy, mỗi khi xảy ra các vụ cây gãy đổ, các cơ quan có trách nhiệm thường cho rằng đây là trường hợp tai nạn, bất khả kháng và do vậy chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường. Người dân nghe nói vậy thì cũng chỉ biết vậy.

Nhưng nếu công khai "hồ sơ sức khoẻ" của từng cây, người dân sẽ có cái nhìn cụ thể hơn, khách quan hơn; các cơ quan chức năng điều tra vụ việc có thêm nguồn thông tin để xác định đó là lỗi bất khả kháng hay là lỗi hoặc một phần lỗi thuộc về trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý cây xanh.

Cây xanh là để mang lại bóng mát, không khí trong lành cho người dân chứ không phải là những cái chết đau đớn cũng như sự âu lo mình có bị cây rơi vào đầu mỗi khi có việc ra đường khi trời mưa gió.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn