MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng trục lợi từ thiện bị cơ quan chức năng xử lý. Ảnh: Công an cung cấp

Làm từ thiện cũng phải đúng cách

Đình Trường LDO | 17/08/2021 07:03

Thông tin về các hoạt động từ thiện, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19 được chia sẻ mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh ý nghĩa đầy nhân văn vẫn có những mặt trái cảnh tỉnh chúng ta cần tỉnh táo hơn với hoạt động này: Để lòng tốt được đặt đúng chỗ và để những giá trị tốt đẹp được lan tỏa xứng đáng.

Câu chuyện lam từ thiện không phải lúc nào cũng màu hồng và đơn giản. Môi trường mạng xã hội với đặc thù khó kiểm soát, nay trở thành nơi để các tài khoản mạo danh, thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật hoành hành. Điều đó cũng dẫn đến mặt trái, khi lòng tốt bị đặt sai chỗ. Nhiều trường hợp tạo dựng các câu chuyện giả mạo để trục lợi từ hoạt động từ thiện.

Là thành viên một đội từ thiện ở Hà Nội, chị Bảo Linh (29 tuổi, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Có những hộ gia đình đăng lên xin hỗ trợ vì gia đình có con nhỏ, nhiều ngày phải ăn mì gói. Nhưng khi chúng tôi đến địa chỉ đó, thấy cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Trẻ con 3-4 tuổi mỗi đứa 1 cái iphone ngồi xem Youtube. Trong sân 1 xe SH, 1 xe Vision dựng ngay ngắn”. Chị Linh cho hay, đó không phải là trường hợp duy nhất, nhiều người vẫn xin từ thiện dù có nhà mặt đường, có nhà cho thuê, điều kiện kinh tế khá giả.

Đại diện một nhóm thiện nguyện tại Hà Nội cũng cho biết, nhóm đã từng gặp nhiều trường hợp xin từ thiện không trung thực. Những người này lập nick ảo, nội dung trang Facebook không có thông tin, chỉ có vài tấm ảnh trẻ nhỏ xin thức ăn được lặp đi lặp lại và đính kém cả thông tin chuyển khoản. Nhóm thiện nguyện đã tiến hành xác minh thông tin và cho thấy đó là những trường hợp giả mạo.

Gần đây, vụ việc tin giả "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ" gây xôn xao dư luận. Cơ quan chức năng TPHCM đã vào cuộc làm rõ và thông tin, có một nhóm đối tượng đã đạo diễn toàn bộ câu chuyện này hòng trục lợi từ thiện. Nhóm này thường đăng tải những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh mà họ tự dựng lên.

Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng để trục lợi nguồn tiền ủng hộ. Theo Bộ Công an, số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỉ đồng.

Chị Thành Thị Thu Lương (sinh năm 1976) - thành viên sáng lập nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” cho biết, việc làm từ thiện hiện nay rất “loạn”, nhiều người làm từ thiện theo trào lưu. Việc lấy thông tin trên mạng, thiếu kiểm chứng sẽ dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng, trong khi đó những người thật sự cần thì lại thiếu.

Để tránh tình trạng đó xảy ra với nhóm, chị Lương cho biết: “Chúng tôi thường phối hợp với chính quyền địa phương để lên danh sách các hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó, một số trường hợp do chính thành viên nhóm tìm hiểu. Vì vậy, khi trao quà tận tay, đúng đối tượng, họ đều rất trân trọng”. Được biết, trong những ngày Hà Nội đang căng mình với dịch bệnh, nhóm của chị Lương đã có hơn 1.400 suất quà gửi đến các hoàn cảnh khó khăn.

Anh P.Q.V (tình nguyện viên phát gạo ở Hà Nội) cũng cho rằng, các tổ chức từ thiện nên có kế hoạch cụ thể, để tránh trường hợp nhiều người lợi dụng từ thiện để trục lợi. “Chúng tôi thường xin danh sách của phường, tổ dân phố để đối chiếu, lọc ra những hoàn cảnh khó khăn. Trường hợp đăng ký lẻ, ngoài danh sách thì đội từ thiện sẽ đối chiếu, xem xét để phần quà đến đúng nơi người cần. Giao các phần quà đến hội phụ nữ nhờ các chị gửi đến các hộ. Tránh tình trạng nơi thì ồ ạt quà hỗ trợ, nơi thì chưa ai biết tới”, anh V cho hay.

Theo Bộ Công an, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, khuyến cáo các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn