MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm việc nhóm: Dễ trở thành người "gánh" đồng đội bất đắc dĩ

THÙY DUNG - MINH TÂM LDO | 13/04/2023 14:07

Làm việc nhóm là một kỹ năng quan trọng để hoàn thành công việc nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa làm việc theo cách này lúc nào cũng đều thuận lợi.

Tâm lý sợ phật lòng người khác

Cũng như bao sinh viên khác, chị Bùi Diệu Hương - sinh viên năm 3, Trường Đại học Thủy Lợi - cho biết, chị đã nhiều lần hợp tác với các thành viên trong lớp để hoàn thành bài tập theo yêu cầu của giảng viên. 

Quá trình này xảy ra vô số chuyện khiến nữ sinh cảm thấy mệt mỏi khi trở thành người “gánh team” (gánh hết trách nhiệm, công việc của người khác) bất đắc dĩ.

Chị Diệu Hương chia sẻ: “Những môn yêu cầu phải làm việc theo nhóm thường có kiến thức khá nặng, thời gian phải hoàn thành cũng ngắn hơn khi làm cá nhân. Vì vậy, tôi thấy mệt khi phải một mình gánh công việc chung, trong khi nhóm có nhiều thành viên nhưng ai cũng thờ ơ, lảng tránh”.

Chị Diệu Hương nhiều lần phải làm thay phần việc của các thành viên trong nhóm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Là người có thành tích học tập tốt và ổn định, chị Diệu Hương luôn cố gắng, nghiêm túc hoàn thành các công việc. Cũng chính vì vậy nữ sinh viên này thường được tin tưởng giao trọng trách làm nhóm trưởng. 

Tuy nhiên, do không có nhiều kinh nghiệm trong việc phân công và đốc thúc các thành viên, khi bị phân công vào một nhóm học tập thụ động, nữ sinh viên thường phải chấp nhận làm nhiều hơn để kịp tiến độ công việc. 

“Có lần chúng tôi làm bài tập nhóm môn đại cương, mặc dù đã thống nhất thời gian dành cho từng công việc, nhưng khi đến hạn rất nhiều bạn không hoàn thành nhiệm vụ. Khi tôi nhắc nhở thì một số thành viên mới bắt đầu tìm kiếm trên mạng rồi sao chép hời hợt, không có chọn lọc. Vì là trưởng nhóm nên đêm hôm đó, tôi phải thức trắng sửa chữa chỉn chu lại bài để kịp cho buổi thuyết trình vào hôm sau” - chị Diệu Hương kể lại.

Cố gắng là vậy, song sợ phật lòng người khác, chị Diệu Hương cũng chỉ dám nhận xét điểm tương đương với mọi người hoặc nhỉnh hơn đôi chút.

Cần một trưởng nhóm bản lĩnh

Anh Nguyễn Đăng (30 tuổi, giảng viên đại học) cho rằng, lười biếng hay “ủ việc” khi hoạt động theo nhóm là một điều đáng phê bình.

Giảng viên đại học này chia sẻ: “Tình trạng làm việc thiếu công bằng trong nhóm đông người không chỉ xảy ra với sinh viên mà ngay cả ở nơi công sở. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và hiệu quả công việc của tập thể. Khác với khi còn trên giảng đường, làm việc nhóm chốn công sở có liên quan đến nhiều vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở điểm số hay thành tích”. 

Nếu có một trưởng nhóm bản lĩnh, làm việc nhóm sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Việc hưởng chế độ lương thưởng như nhau trong khi khối lượng công việc không đều lâu dần cũng sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ. Vì vậy, vấn đề này cần phải được khắc phục và có cách giải quyết ổn thỏa trong thời gian ngắn nhất.

Khi được hỏi về những yếu tố để làm việc nhóm đạt hiệu quả cao, anh Đăng cho rằng điều quan trọng nhất là cần phải tìm ra một trưởng nhóm bản lĩnh. Đó là người phải quan sát được điểm mạnh, điểm yếu của từng đồng nghiệp để có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và phù hợp với năng lực mỗi thành viên. 

Bên cạnh đó, trong trường hợp phát hiện có sự lười biếng, ỷ lại trong nội bộ cần góp ý thẳng thắn, chân thực để mọi người khắc phục. Mỗi cá nhân phải học cách từ chối nếu bị lợi dụng lòng tốt khi người khác nhờ vả quá nhiều lần.

Anh Đăng bày tỏ nếu biết cách phối hợp với nhau thì việc hoạt động theo nhóm cũng là một cơ hội tốt: “Làm việc nhóm giúp mọi người có nhiều mối quan hệ hơn, được giao lưu với những đồng nghiệp, đối tác mới. Việc học hỏi lẫn nhau cũng là cơ hội để bản thân trau dồi kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn