MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lan đột biến gene. Ảnh: Đình Trọng

Lan đột biến gene – coi chừng những cú lừa thổi bay tiền tỉ!

Thế Lâm LDO | 09/09/2020 13:15
Trong vụ việc mới nhất, Công an huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã bắt tạm giam Bùi Văn Sỹ (35 tuổi) về hành vi dùng lan thường giả lan đột biến gene để lừa đảo.

Số tiền mà Sỹ đã lập kế hoạch lừa đảo của ông Đ.V.T (trú huyện Di Linh, Lâm Đồng) là 1,47 tỉ đồng. Số tiền này cũng là mức giá của cây lan đột biến gene giả được Sỹ lừa bán cho ông T. Rất may, khi Sỹ giao hàng đến bị ông T phát giác, trình báo công an, từ đó Sỹ bị bắt giam.

Lan thường hay lan đột biến gene, chỉ có những người chơi tinh tường, những người buôn bán lan rành nghề may ra mới nhận ra được. Thế nhưng, thú chơi lan đột biến gene đang trở thành trào lưu thời thượng của nhiều người chơi lan khá giả, giàu có. Chính vì thế, các đối tượng lừa đảo có cơ hội len lỏi vào “phục vụ” các “quý ông chơi lan đẳng cấp” này.

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh một cây lan với giá 1 tỉ đồng. Vấn đề được giải thích, cây lan đó có mức giá cao như vậy vì là lan đột biến gene, thuộc loại “độc, lạ, hiếm”.

Song những thứ “độc, lạ, hiếm” đó nhiều khi chỉ là một sự tự dán mác để thổi giá, lừa đảo.

Lan đột biến gene là của hiếm, nhưng với mức giá thấp nhất cũng lên đến vài trăm triệu đồng thì không còn là hiếm nữa. Chính vì thế, đối tượng lừa đảo chỉ cần thực hiện được một, hai phi vụ lừa thì cũng đã “ẵm trọn” một số tiền lớn.

Theo một cảnh báo từ Công an tỉnh Bình Phước, tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây xuất hiện không ít thương vụ mua bán, trao đổi cây lan đột biến gene được công bố, thông tin trên các diễn đàn người chơi lan với mức giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Và cứ vụ mua bán sau lại có giá trị lớn vụ mua bán trước hơn gấp nhiều lần.

Thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho rằng, việc mua bán, giao dịch những cây lan được cho là đột biến gene diễn ra công khai, phô trương và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… nhưng thông tin về các vụ giao dịch này thường rất mập mờ, thông tin về người bán và người mua không được kiểm chứng, giá trị hoa lan được định giá không có căn cứ, cơ sở pháp lí, là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dụ người mới chơi lan tham gia.

Chiêu thức thổi giá lan đột biến gene thường theo cách là dẫn dụ để người mua đầu tư rồi giới thiệu cho người mua lại với giá cao hơn. Những người mua lại này thường là cùng nhóm làm giá, thổi giá. Mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt đỉnh, nhóm thổi giá rút lui, để lại người khách hám lợi dính bẫy gánh hậu quả vì cây lan không còn có thể bán lại với mức giá đã quá cao.

Bên cạnh đó, theo Công an Bình Phước, việc mua bán, trao đổi diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước, đang có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật.

Và trên thực tế, bên cạnh hành vi cố tình dẫn dụ người mua để thổi giá trục lợi, không ít vụ thể hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp đối tượng Bùi Văn Sỹ vừa bị bắt tại Di Linh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn