MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng gốm cổ Bát Tràng cũng có những ngày phải nguội lò

Trần Kiều - Văn Đức LDO | 19/04/2020 08:33
Lao động được tạm nghỉ dài ngày, lò nung nguội lửa, cửa hàng vắng bóng khách... là thực trạng đang diễn ra hơn nửa tháng qua tại làng gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). 

3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm là khoảng thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng gốm Bát Tràng diễn ra sôi động nhất, thế nhưng, trái ngược với mọi năm, năm nay không khí ảm đạm và ngưng trệ vì đại dịch COVID-19

Làng gốm cổ Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh: Văn Đức 

Đã hơn nửa tháng nay, ở đây không có cảnh xe chở hàng đi lại tấp nập trong các ngõ xóm, cũng chẳng có cảnh khách du lịch ghé thăm và hỏi mua các sản phẩm gốm. Tất cả những gì mà người ta có thể thấy ở làng gốm cổ bây giờ chỉ là cảnh các xưởng sản xuất đóng cửa, lò nung để nguội ngắt; các gian hàng gốm sứ cũng gần như cửa đóng then cài... Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của làng nghề. 

  Mọi hoạt động trong xưởng sản xuất gốm tạm thời bị đình trệ. Ảnh: Trần Kiều

Ở làng gốm cổ Bát Tràng, các xưởng sản xuất thường nằm sâu trong làng. Khi chưa có dịch, hộ sản xuất nào cũng tất bật với việc tạo ra các sản phẩm gốm sứ, còn bây giờ xưởng nào cũng đã tạm ngừng sản xuất. 

Xưởng làm gốm chuyên mặt hàng lọ hoa của anh Đức dù có quy mô nhỏ, nhưng từ khi có Chỉ thị số 16 của Chính phủ về việc cách ly xã hội, đã tạm dừng sản xuất. Anh Đức cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng nên xưởng của anh sản xuất ít hẳn đi và chỉ mang tính chất cầm chừng. 

Hoàn thiện nốt sản phẩm khách đặt nhưng chưa xuất đi được vì ảnh  hưởng dịch COVID-19. Ảnh: Văn Đức

"Quy mô xưởng nhỏ nên chỉ có 4 lao động là anh chị em họ hàng trong nhà. Từ ngày 1.4, thực hiện không tập trung đông người nên mọi người đều nghỉ và đợi trở lại làm việc sau. Giờ rảnh rỗi thì hai vợ chồng tôi ngồi vẽ hoa văn cho những lọ hoa còn chưa hoàn thiện trước đó. Còn lò thì đã nguội lửa từ đó đến nay". 

Cách đó không xa là xưởng làm gốm của gia đình chị Ngọc. Xưởng tuy có quy mô lớn hơn nhưng cũng có chung cảnh ngộ với xưởng của anh Đức.

  Bầu đất đắp đống một góc xưởng. Ảnh: Văn Đức
  Khu vực sản xuất để trống từ hơn nửa tháng nay. Ảnh: Văn Đức

Những bầu đất đã được đắp đống ở một góc hơn nửa tháng nay, lò nung nguội ngắt, khu vực chế tác cũng không một bóng người lao động... Mọi thứ trở nên vắng lặng, thậm chí mạng nhện bám đầy quanh nơi vốn thường ngày được trở đi, trở lại liên tục. 

"Hàng ở làng gốm Bát Tràng chủ yếu xuất đi Nam đến 60%. Nhưng hơn nửa tháng nay, việc đi lại giữa các tỉnh bị hạn chế, hàng nhà tôi đóng rồi cũng phải chịu đắp đống một góc trong xưởng. Sản lượng bán ra giảm sút và chậm hơn thời điểm trước khi có dịch rất nhiều. Chẳng còn cách nào khác là phải đợi đến khi xe cộ đi lại bình thường rồi hết cách ly xã hội để nhân công sản xuất trở lại thôi" - chị Ngọc nói. 

Các đơn hàng gốm xuất ra vẫn chưa thể giao cho khách. Ảnh Trần Kiều

Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh hiện nay, chị Ngọc cho biết thêm, thực tế là "đắt hàng tôi, trôi hàng bà", hơn nữa, ở làng gốm cổ Bát Tràng, mỗi hộ sản xuất chỉ chuyên một sản phẩm, không sản xuất ồ ạt nhiều mặt hàng nên nguyên tắc gồng gánh nhau là điều hiển nhiên. Chính vì thế, ảnh hưởng bởi dịch, tất cả làng nghề đều rất khó khăn, không chừa một hộ nào. 

  Sản phẩm gốm làm ra cũng chưa thể hoàn thiện vì lao động đang tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Văn Đức

Để cứu vãn tạm thời, phần đa các gian hàng kinh doanh phải chuyển qua bán hàng online. Họ đăng các sản phẩm của mình lên mạng để quảng cáo và giao bán, mong lúc này gỡ gạc được chút nào hay chút đó. 

Từ nay đến khi hết thời gian kéo dài cách ly xã hội còn mấy ngày nữa. Từ giờ đến lúc đó, các lò nung vẫn sẽ nguội lạnh; nhân công trong các xưởng vẫn chưa thể trở lại làm việc và các hộ sản xuất, kinh doanh của làng gốm vẫn sẽ tiếp tục thất thu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn