MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kho thuốc bảo vệ thực vật đã tồn tại hơn 10 năm. Ảnh: Khánh Linh.

“Làng ung thư” ở Hòa Bình giờ ra sao?

Khánh Linh LDO | 28/02/2022 14:00

Hoà Bình - Dù đã được nhà nước đầu tư công trình nước sạch, tuy nhiên “làng ung thư” sau gần 10 năm vẫn còn tồn tại nhiều hệ lụy từ kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Đã từng là nỗi ám ảnh 

Những ngày cuối tháng 2.2022, PV Báo Lao Động trở lại xóm phố Mỵ Thanh, xã Mỵ Hoà, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình - nơi từng được coi là “Làng ung thư” đầy ám ảnh mỗi khi nhắc đến cách đây gần thập kỷ. Theo chân một đồng chí công chức xã, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Minh.

Bà Minh trước đây từng làm bí thư chi bộ Mỵ Thanh và là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất về vấn đề kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Rót chén nước chè, bà Minh chậm rãi kể: "Trước đây, xóm phố Mỵ Thành là đội 5 của Nông trường Thanh Hà. Kho hóa chất BVTV do nông trường xây dựng vào khoảng năm 1965, với diện tích khu vực xây dựng kho gần 3000m2 và kho chứa thuốc rộng khoảng 300m2".

Theo bà Minh, trong kho chứa nhiều loại hóa chất độc hại như DT sữa, B 58, 666, lưu huỳnh, phèn xanh, thuốc diệt cỏ… Quá trình quản lý, sử dụng vỏ bao bì vứt bừa bãi, những thùng chứa hóa chất bị mọt rỉ nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Đến năm 1991, nhà kho được thu hẹp lại, khi đó các loại hóa chất độc hại đã ngấm sâu vào lòng đất, nguồn nước, không khí trong khu vực lúc nào cũng nặng nề, khó chịu. 

Cây cối xung quanh kho thuốc không thể sử dụng.

Còn ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng xóm Mỵ Thanh cho biết: "Vào những năm 2014 - 2015, trong xóm có 65 hộ dân, nhưng phải đến quá nửa số hộ có nước không dám dùng, hoa quả chín cây không dám hái, cá nuôi trong ao lại càng không dám đánh bắt lên để nấu ăn".

Theo ông Tuấn, thậm chí, để có nước sinh hoạt hằng ngày, bà con phải đi xin nước ở đơn vị bộ đội cách đó nửa cây số hoặc lấy nước từ nhà người quen ở các khu vực khác. Khi đó, không khí tang thương bao trùm cả xóm làng bởi cứ thi thoảng lại có người mất vì bị bệnh ung thư.

"Tính từ năm 2008 đến tháng 7.2016, cả xóm có đến 24 người mất vì bệnh ung thư. Còn từ năm 2019 đến nay thì có 3 người chết và 1 người đang bị bệnh nặng" - ông Tuấn nói.

Ông Đinh Công Phụng, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hoà cho biết: "Từ khi công trình nước sạch được xây dựng, số người chết vì bệnh ung thư tại xóm phố Mỵ Thanh đã giảm rõ rệt. UBND xã Mỵ Hoà rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành về tại địa phương khảo sát cụ thể và có phương án giải quyết triệt để".  

Mong muốn có biện pháp xử lý triệt để 

Qua tìm hiểu, cuối năm 2020, công trình nước sạch do UBND tỉnh Hoà Bình và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đầu tư với tổng nguồn vốn 8 tỉ đồng được đưa vào sử dụng. Công trình được xây dựng kiên cố trên một quả đồi cao.

Máy bơm và các thiết bị hoạt động 24/24 cung cấp nước đủ cho hơn 60 hộ dân ở xóm Mỵ Thanh và một số hộ ở các xóm lân cận. Nhờ đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã được giải quyết, đảm bảo cho đời sống và sản xuất của dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên, do lượng thuốc BVTV lớn, lại ngấm sâu vào đất nên vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con.

Bà con của “làng ung thư” đã được nhà nước hỗ trợ nguồn nước sạch.

PV đã theo chân bà Minh đến nhà kho BVTV cũ, ngôi nhà bỏ hoang mấy chục năm nay đã phủ đầy rêu phong. Hiện nay, khu đất  thuộc sở hữu của gia đình bà Hà Thị Tám.

Bà Tám đã thuê xe tải chở đất lấp lên một lớp dày để đỡ mùi, sau đó sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Nhưng theo nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khu vực đó, cho dù lấp lên bao nhiêu lớp đất, cát cũng chỉ có thể giảm bớt mùi chứ không thể khử mùi triệt để.

"Vào những ngày trời nóng nực, gió Tây Nam thổi mùi thuốc sâu theo gió vẫn bay xung quanh làng xóm. Trẻ con không dám vui chơi gần đó, nhà nhà đóng kín cửa, hạn chế ra ngoài" - bà Tám chia sẻ.  

Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kim Bôi cho biết: "Hiện nay tàn dư thuốc BVTV của Nông trường Thanh Hà gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân".

Theo ông Trung, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành tạo điều kiện để có những biện pháp xử lý tàn dư kho thuốc sâu đã tồn tại hàng chục năm nay. Đồng thời không để những hậu quả của thế hệ trước làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai sau này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn