MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lào Cai: Gần 100ha ruộng hạn nằm chờ công trình thủy lợi "trên giấy"

Văn Đức LDO | 07/07/2022 10:21

Lào Cai - Hàng trăm hộ dân xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn mong ngóng công trình nâng cấp thủy lợi Nâm Khắt để có nước tưới tiêu phục vụ trồng cấy.

Bạt, phên nứa, trụ tre thay cho sắt thép, bê tông

Phản ánh đến PV Báo Lao Động, người dân xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn lo lắng vì mùa mưa lũ sắp đến nhưng kênh mương đầu nguồn bị hư hỏng nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp khiến việc chuẩn bị nước cho vụ hè thu gặp vô vàn khó khăn.

Ngày 5.7, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ từ trung tâm xã Dương Quỳ đi qua những con đường dốc quanh co, gập gềnh, PV mới đến được khu vực đập đầu mối - nơi trực tiếp lấy nước từ dòng suối Nậm Khắt vào kênh thủy lợi ở thôn bản Khoay, xã Dương Quỳ.

PV ghi nhận, đập đầu mối dòng suối có độ dốc cao, gập gềnh. Tại đây có hệ thống kênh mương đã nhiều chỗ hư hỏng, nứt gẫy.

Nhiều đoạn bị đá lớn từ trên cao rơi xuống chắn kín dòng chảy và gây hư hỏng kênh mương.

Ở những vị trí này người dân thay thế bằng các đoạn tre, vầu, nứa đan thành phên đặt xuống đáy mương, phía dưới đáy đặt các thanh gỗ, tre dài để giữ, rồi phủ bạt lên cho nước lưu thông.

Những cây tre, vầu già được xếp dọc theo mương và dùng sợi thép 6 cuốn chặt vào các trụ sắt cũ đã bị hỏng trước đó để cố định.

Kênh mương có chiều ngang chừng 50cm, dài khoảng 5km nhưng cứ một đoạn lại xuất hiện những ụ cát hoặc hòn đá to ngăn dòng nước chảy.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hùng - trưởng thôn bản Khoay - cho biết: “Kênh mương bắt đầu bị hỏng từ năm 2019 cho tới nay nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp”.

Từ khi bị hư hỏng, gần như tháng nào mấy thôn lấy nước từ kênh mương này vào ruộng ít nhất cũng phải 1 lần hô hào, tập trung nhau để đi dọn đá rơi, cát lấp giúp lưu thông dòng chảy, lấy nước về đồng.

Ông Hùng cho hay: “Trời cứ mưa to là biết mai phải đi làm lại mương vì nước chảy xiết, các phên với tấm trụ làm bằng cọc tre, nứa không chịu được bị lũ cuốn mất, không sửa thì không có nước vào ruộng”.

Nhiều đoạn cát lại lấp kín mít.

Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện tại các buổi tiếp xúc cử tri nếu không sửa được cả tuyến thì cũng hỗ trợ sửa 1 số đoạn bị hư hỏng nặng nhất để có nước về cho dân cấy lúa, nhưng đều không được chấp thuận với lý do "đã có kế hoạch sửa chữa", "chờ".

Được biết, kênh mương này được xây dựng từ năm 2006 với tổng chiều dài 4,3km để phục vụ việc tưới tiêu cho khoảng 80ha cánh đồng lúa của 3 thôn Bản Khoay, Bản Pầu và Nà Có.

Người dân thường xuyên hô hào cùng nhau đi đan phên, làm cột, kèo để lấy nước vào ruộng.

Năm 2020, UBND huyện Văn Bàn đã có quyết định đầu tư nâng cấp thủy lợi Nậm Khắt với tổng mức đầu tư lên đến 2,29 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay công trình nãy vẫn chỉ "nằm trên giấy" mà chưa được khởi công, nâng cấp. Trong khi, người dân vẫn mong ngóng, chờ đợi từng ngày.

Ngân sách còn bận chi cho các hạng mục khác

Ông Hoàng Văn Đô - trưởng thôn Bản Pầu - cho hay: "Nguyên nhân chủ yếu của việc mương bị hỏng là do trong quá trình hoạt động thủy điện Nậm Khắt khiến đá từ trên cao rơi xuống và việc xả đáy lòng hồ thủy điện đã tác động xấu đến tuyến kênh thủy lợi này gây ra hư hỏng, nứt gãy".

Theo ông Đô, trước khi có thủy điện Nậm Khắt, kênh mương cũng đã được tu sửa 1 vài lần nhưng không nặng nề và thiệt hại như hiện tại.

Từ khi thủy điện Nậm Khắt của Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Đông Nam Á đi vào hoạt động năm 2018 đã khiến dòng chảy của nước đầu nguồn thay đổi, đá rơi, cát lấp khiến cho tuyến mương này giờ lỗ chỗ hư hỏng, nát tan tành.

Những kèo cột đơn giản, thô sơ thường xuyên bị nước cuốn trôi mỗi khi mưa lớn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Bàn - cho hay: "Đúng là có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa kênh thủy lợi Nậm Khắt từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được".

Tuyến kênh cần được sớm khắc phục, sửa chữa gấp trước mùa mưa lũ và cấy hái của bà con khoảng chừng 50m. Trong đó, khoảng 15m giáp đập đầu mối là gẫy thành kênh, 1 đoạn nứt thành kênh dài khoảng 20m và 1 đoạn kè cửa sả cát bị xói mòn có nguy cơ bị gẫy tiếp...

Theo ông Thiện, việc sửa chữa sử dụng vốn ngân sách của huyện và xã nhưng chưa thể cân đối để đầu tư sửa chữa kênh thủy lợi này vì còn dồn lực cho các công trình khác quan trọng khác.

Người dân múc cát, nhặt sỏi đá, dọn dẹp vệ sinh để khơi thông dòng chảy, lấy nước về ruộng.

Vị trưởng phòng này cho biết thêm, địa phương cũng đang liên hệ để đi đến thống nhất với phía thủy điện Nậm Khắt để cùng phối hợp sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh mương này.

Theo đó, phía thủy điện Nậm Khắt sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa đoạn khu vực đập đầu mối và một 1 số đoạn kênh thủy lợi trong phạm vi bị ảnh hưởng trực tiếp do quá trình hoạt động của thủy điện này khiến bị hư hỏng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn