MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đường đã xuống cấp nhiều năm, việc đi lại của người dân nơi đây rất khó khăn. Ảnh: Đức Trọng.

Lào Cai: Người dân huyện Nông thôn mới mong có đường bê tông

Đức Trọng LDO | 28/04/2022 08:24

Lào Cai - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vẫn phải đi trên con đường bê tông đã hư hỏng, xuống cấp chỉ còn đất đá lởm chởm, mặc dù địa phương đã được công nhận là huyện Nông thôn mới từ tháng 2.2022.

Phản ánh đến PV Báo Lao Động, người dân tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai lên tiếng mong muốn chính quyền làm đường bê tông cho tuyến đường liên xã đi Nậm Trà, Nậm Phảng.

Theo người dân nơi đây, từ nhiều năm nay, bà con 2 thôn Nậm Trà, Nậm Phảng của xã Gia Phú phải đi trên con đường cấp phối đã xuống cấp nghiêm trọng, đi lại vô cùng khó khăn.

Ngày 27.4, từ Km42, đường tỉnh 152, rẽ lên con đường dốc quanh co lên 2 thôn Nạm Trà, Nậm Phảng, PV ghi nhận tuyến đường liên xã dài chừng hơn 20km.

Mặt đường lởm chởm những viên đá to, tròn đã trơ ra trơn trượt, nhiều rãnh xé nát mặt đường, những tay lái non chỉ cần không chú ý là có thể "xòe" bất cứ lúc nào.

Mặt đường gồ ghề, lớm chởm những hòn đá to.

Theo người dân sinh sống tại đây, nếu gọi “đường” ở đây thì có lẽ hơi phù phiếm nên nhiều người cho đó là lối đi. Nhưng lối đi này đã phục vụ cho cuộc sống của bà con nơi đây từ nhiều đời nay, giờ xuống xã đường đẹp, rộng thênh thang mà lòng khao khát có đường để đi lại trỗi dậy với bà con thôn, bản.

Được biết, Nậm Trà, Nậm Phảng là 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã Gia Phú với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cách trung tâm xã gần 20 km, trong đó 13 km hiện là đường cấp phối.

Đường được nâng cấp từ đường mòn mở rộng nền và rải cấp phối cách đây 7 năm. Địa hình dốc núi cao, tuyến đường có rất nhiều khe, suối cắt ngang, nên sau mỗi đợt mưa bão, tuyến đường lại sụt lở nghiêm trọng hơn, gây ách tắc cục bộ.

Sợi thép của rọ đá đã bị trồi lên thời gian dài bị xuống cấp.

Trao đổi với PV, bà Chảo Ổng Pham (ở thôn Nậm Trà) cho biết: "Đi lại rất khó khăn, tôi là người bản địa nên ngày nào cũng đi lại trên con đường này mà cũng ngã suốt vì đường xấu quá".

Theo bà con thì đây là tuyến đường độc đạo nối từ trung tâm xã Gia Phú đi 2 thôn Nậm Trà, Nậm Phảng. Đồng thời, con đường còn đóng vai trò kết nối Gia Phú và xã Mường Bo (thị xã Sa Pa), nên dẫu có gian khó trăm bề, thì ngày ngày hàng trăm lượt người dân vẫn phải lưu thông trên tuyến đường để nhọc nhằn mưu sinh.

Ông Chảo Láo Lở - Bí thư Chi bộ thôn Nậm Trà tâm sự, người dân muốn mua chiếc xe, nhưng đường xấu, mua mới cũng hỏng, mua cũ cũng vứt. Có con trâu, con lợn, con gà hay bao thóc cũng không bán được. Đề nghị nhà nước làm cho người dân con đường bê tông kiên cố.

 Tuyến đường dài khoảng 20km nối 2 thôn của xã Gia Phú đi thị xã Sa Pa.

Không những vậy, theo ông Bí thư này, do đường khó đi, nên vật liệu xây dựng đắt. Bình thường dưới trung tâm xây nhà chỉ cần bỏ ra khoảng 500 - 700 triệu đồng, nhưng trên này làm hết hơn 1 tỉ đồng (đây là ngôi nhà xây kiên cố chứ không nói làm nhà sang trọng).

Con đường khó di chuyển, không chỉ ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân, mà mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của 2 thôn nghèo Nậm Trà, Nậm Phảng càng thêm khó khăn hơn.

Tất cả người dân đều mong ngóng có đường bê tông để đi lại và phát triển kinh tế.

Do giao thông xuống cấp, đi lại khó khăn nên kinh tế kém phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Nậm Trà và Nậm Phảng chạm mức trên 90%.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết: "Đối với tuyến đường Nậm Trà – Nậm Phảng, huyện cũng dự kiến làm bằng nguồn vốn nông thôn mới. Tuy nhiên, tuyến đường rất dài, dân cư không tập trung nên không thể triển khai bằng nguồn vốn này. Hiện, chúng tôi đã báo cáo với tỉnh về việc đầu tư tuyến đường này".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn