MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân thôn Giang Đông 1, xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai đang sống trong cảnh bất an, thiếu thốn vì kẹt cứng giữa 2 đại dự án.

Lào Cai: Nhà cửa sụt lún, dân bất an vì "kẹt cứng" giữa 2 đại dự án ngàn tỉ

Long Nguyễn LDO | 23/09/2020 14:03

Hơn 4 năm qua, gần 20 hộ dân ở thôn Giang Đông, xã Vạn Hoà, TP. Lào Cai luôn lo lắng, bất an vì bị kẹt cứng giữa 2 đại dự án là di dân và kè sông trị giá cả ngàn tỉ đồng.


This browser does not support the video element.

[Clip] Người dân sống bất an bên dự án kè sông Hồng

Nhà cửa có thể sụt lún, sụp đổ bất cứ lúc nào

Phản ánh tới Báo Lao Động, nhiều hộ dân ở thôn Giang Đông 1, xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai (Lào Cai) cho biết rất bức xúc và lo lắng trước cảnh nhà cửa sụt lún, rạn nứt và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Vấn đề ở chỗ, dù hoàn toàn là hậu quả của quá trình thi công hai đại dự án là "di dân tái định cư số 1" và "kè sông Hồng" nhưng suốt nhiều năm qua, toàn bộ 18 hộ dân bị ảnh hưởng đã không nhận được "một đồng hỗ trợ" nào từ chính quyền sở tại cũng như các bên liên quan.

Đã thế, vì nằm chấp chới giữa 2 đại dự án, nên dù bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề nhưng mãi đến năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai mới đồng ý về mặt chủ trương bổ sung 18 hộ dân kể trên vào diện được di dời tái định cư. Thế nhưng cũng bẵng đi từ đó, chẳng thấy chủ trương được tiến hành...

Bà Nguyễn Thị Giang đã nhiều lần đại diện cho các hộ dân gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết.

Dẫn PV đi vòng quanh khu xóm, chỉ tay vào từng vết nứt gãy lớn nhỏ và từng mảng tường chắp vá, bà Nguyễn Thị Giang (Bí thư chi bộ thôn Giang Đông 1, xã Vạn Hòa) cho biết, từ nhiều năm qua, gia đình bà rất bất an, lo lắng bởi căn nhà bỗng xuất hiện nhiều vết nứt lớn và dài. Nền nhà xê dịch khá xa so với vị trí cũ, không biết sập khi nào.

Theo lời bà Giang, khi dự án di dân tái định cư số 1 triển khai qua khu vực, đường đắp cao lên, toàn bộ hộ dân ở đây bỗng trở thành vùng trũng thấp hơn tới 1,4m.

Tuy nhiên, mọi việc chỉ thực sự tồi tệ khi dự án kè sông Hồng được triển khai năm 2017 bởi công ty Cường Thịnh Thi.

Lúc này, không chỉ nhà cửa bị nghiêng ngả, sụt lún mà toàn bộ hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện của khu vực cũng bị hư hỏng nặng.

"Nước sạch nhỏ giọt. Nước thải không có chỗ thoát. Cứ mưa là ngập quá đầu gối. Điện yếu đến chạy quạt còn lừ đừ. Mười mấy hộ dân sống khổ sở như vậy suốt bao năm nhưng đơn từ mãi cũng chưa thấy gì. Chỉ duy nhất một lần UBND xã Vạn Hoà cho người xuống lập biên bản rồi vẫn đâu vào đấy.

Chúng tôi đề nghị được chuyển đi, hoặc chí ít được hỗ trợ kinh phí sửa chữa điện đường, nhà cửa. Nhưng suốt nhiều năm cả 2 nguyện vọng đều không được đáp ứng”, bà Giang bức xúc cho biết.

Nhiều người dân buộc phải ở lại trong những căn nhà xập xệ và nguy hiểm.

Sát vách nhà bà Giang, nhà của anh Đào Quang Trung cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt trên tường, nền nhà.

Anh Trung chia sẻ: “Vì nằm kẹt giữa 2 dự án nên mọi khoản đầu tư hạ tầng của thành phố như điện, nước không kéo về nữa. Việc nhập tách hộ khẩu, bán nhà, sửa chữa... cũng ngưng trệ. Trong khi chỉ một trận mưa nhỏ là toàn bộ khu vực bị cô lập như một ốc đảo. Ở thì khổ sở vậy nhưng cũng chẳng thể đi, vì chẳng thấy ai duyệt cho đi".

Ì ạch nhiều năm

Theo tìm hiểu của PV, dự án kè sông Hồng tên đầy đủ là dự án "Kè sông Hồng, di dân tái định cư khu vực thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai (đoạn từ cầu Phố Mới đến xã Vạn Hòa)" do Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư.

Dự án khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2022 với tổng mức đầu tư ban đầu gần 1.000 tỉ đồng, sau điều chỉnh còn 920 tỉ đồng.

Theo thông báo chính thức từ Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh Lào Cai, cho đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành trên 60% khối lượng giá trị hợp đồng nhưng mới chỉ giải ngân được 48%, tương đương 441 tỉ đồng.

Ban QLDA ODA tỉnh Lào Cai cũng thừa nhận, dự án gặp khó ở công tác giải phóng mặt bằng khiến 450m kè bị ảnh hưởng trực tiếp. Dự kiến trong quý III/2020, UBND TP. Lào Cai mới giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên để bàn giao cho Chủ đầu tư tổ chức thi công.

Công trường kè sông vắng lặng.

Phản ánh tới PV, các hộ dân sống gần dự án khẳng định suốt nhiều năm qua, dự án này gần như bất động hoặc có thi công thì cũng cầm chừng, rất chậm chạp.

"Chỉ thấy khoảng 1 năm đầu là rầm rộ. Còn suốt thời gian về sau gần như không thấy họ làm gì. Vì họ không làm gì nên mọi thứ bị đình lại, chúng tôi cứ bị kẹt mãi ở đây", bà Nguyễn Thị Giang - Bí thư chi bộ thôn Gianh Đông 1 - cho biết

Thực vậy, trong suốt thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.2020, có mặt tại dự án, theo quan sát, cả công trường khổng lồ luôn trong cảnh thi công cầm chừng.

Trên nhiều km bờ kè đang dang dở chỉ có vài công nhân buộc sắt, cùng một vài chiếc máy xúc và xe chở đất chậm chạp đưa từng gầu đất rời đi. Những lõi sắt buộc dở cũng đã hoen rỉ. Trên nhiều lô đất, nước đọng thành vũng trong những hố móng lố nhố…

Công trường kè sông đang thi công rất ì ạch.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vạn Hoa xác nhận thông tin phản ánh của bà con thôn Giang Đông 1 là đúng sự thật.

Theo lời ông Tuấn, các hộ dân phản ánh thuộc diện ở ổn định lâu dài, giấy tờ hợp pháp nên các đòi hỏi của họ là có cơ sở, hợp tình hợp lý.

"Ở cấp độ UBND xã, chúng tôi đã làm báo cáo gửi lên cấp trên đề nghị sớm giải quyết, hỗ trợ quyền lợi cho người dân. Đặc biệt cho họ chuyển đi vì chỗ đó bất cập quá. Tuy nhiên, cái khó là các hộ này bị kẹt giữa 2 dự án nên hiện vẫn đang phải chờ sắp xếp, bố trí quỹ đất sao cho phù hợp", ông Tuấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn