MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần có những cuộc tổng điều tra xã hội học về thực trạng lao động các tỉnh miền Trung hồi hương. Ảnh: Tường Minh

Lao động hồi hương, không thể chỉ chờ nghe tâm tư họ ở phiên chợ việc làm

Hoàng Văn Minh LDO | 16/10/2021 16:44

Các tỉnh miền Trung không thể chỉ chờ nghe tâm tư của những lao động hồi hương ở các phiên chợ việc làm để ra chính sách hỗ trợ mà cần cần sớm có những cuộc tổng điều tra xã hội học.

Quảng Nam là một trong các địa phương ở miền Trung có lượng lao động hồi hương từ các tỉnh phía Nam khá lớn với hơn 7.000 người theo thống kê chưa đầy đủ đến thời điểm này.

Và thông tin bất ngờ, đến từ ông Nguyễn Quý Quý - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, khi trả lời phóng viên Báo Lao Động: “Dự báo của chúng tôi là khả năng sẽ có rất nhiều người không trở vào lại Sài Gòn mà ở lại Quảng Nam để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên điều chúng tôi không ngờ tới là kết quả các huyện báo về thì số lượng tìm việc rất thấp”.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quý Quý, hiện các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đang có nhu cầu tuyển dụng gần 17.000 người nhưng chỉ có 1,6% trong số gần 7.000 người nói trên có nhu cầu tìm việc làm.

Đáng nói là các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này ở Quảng Nam, hiện cũng mới chỉ dừng ở mức phỏng đoán. Và theo như thừa nhận của ông Nguyễn Quý Quý thì “mình cần có các phiên chợ việc làm để nghe tâm tư nguyện vọng của họ”.

Tất nhiên, đây cũng không phải là chuyện riêng của Quảng Nam mà thực trạng chung của nhiều địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá... và cả với nhiều tỉnh phía Bắc.

Liên quan đến thực trạng này, mới đây, trong buổi trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thị Dịu Hương của Đại học California Irvine với chủ đề “Nghiên cứu miền Trung – đôi điều gợi mở” do Trung tâm Nghiên cứu Việt – Mỹ của Đại học Oregon, Hoa Kỳ tổ chức, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Phó Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã có những đề xuất thiết thực.

Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, để có quyết sách kịp thời hỗ trợ cho các lao động phía Nam hồi hương trong thời gian gần đây, các địa phương của miền Trung cần sớm có những cuộc tổng điều tra xã hội học.

Cụ thể là số lượng chính xác lao động hồi hương của từng địa phương; độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp trước khi hồi hương; nguyên nhân quan trọng nhất khiến họ hồi hương; việc hồi hương chỉ là tạm thời hay lâu dài; nhu cầu việc làm cụ thể và các khó khăn mà họ đang gặp phải sau khi hồi hương…

Ở chiều ngược lại, các địa phương cũng cần biết chính xác nhu cầu tuyển dụng cụ thể của các doanh nghiệp trên địa bàn mình liên quan đến số lượng, ngành nghề, yêu cầu, mức lương… để người lao động có sự lựa chọn hợp lý.

Quan trọng hơn, những cuộc tổng điều tra này phải thực hiện sớm, cho kết quả nhanh, muộn lắm là sau 3 tháng. Nếu không, các chính sách ban hành sẽ có độ chênh lớn với thực tế và nhu cầu của người lao động và không còn tính cấp bách.

Được biết, sau phần chia sẻ của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, ở miền Trung đã có hai địa phương là Nghệ An và Quảng Bình đã tiếp thu ý kiến và bắt đầu lập đề án, khởi động điều tra xã hội học về thực trạng người lao động hồi hương theo hướng tiếp cận này.

Đây là một tín hiệu vui và hy vọng nhanh thôi sẽ có nhiều địa phương khác cùng theo chân Nghệ An và Quảng Bình. Bởi mọi quyết sách và chính sách liên quan đến người lao động, đặc biệt là lao động hồi hương trong bối cảnh hiện nay, cần phải được ban hành trên cơ sở nghiên cứu khoa học chứ không thể cảm tính kiểu “mình cần có các phiên chợ việc làm để nghe tâm tư nguyện vọng của họ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn