MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 1 tháng nay, chị Hà chật vật tìm kiếm việc làm với mức lương và môi trường phù hợp. Ảnh: Hà Hạnh.

Lao động thất nghiệp nhọc nhằn tìm việc, doanh nghiệp vẫn “đỏ mắt” tìm nhân sự

LƯƠNG HẠNH - MINH HÀ LDO | 27/08/2023 16:18

Trong khi nhiều người lao động loay hoay đi tìm việc sau làn sóng sa thải, mất việc thì nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn "đỏ mắt" tìm nhân sự.

Chật vật tìm kiếm việc làm

Hơn 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Ngân Hà (SN 1992, Hoàng Mai, Hà Nội) đã tìm kiếm việc làm ở nhiều nền tảng khác nhau từ trang tuyển dụng lao động đến các trang mạng xã hội. Chị cũng có mặt tại các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài từ cuối năm 2022 sang năm 2023. Công ty chị cũng không ngoại lệ, văn phòng phía Bắc đặt tại Hà Nội buộc phải đóng cửa, toàn bộ nhân sự thuộc văn phòng này rơi vào cảnh thất nghiệp, đua nhau tìm việc, chị Hà là một trong số đó.

“Chế độ đãi ngộ của công ty rất tốt, mức lương của tôi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Công ty đột ngột giải thể văn phòng phía Bắc là điều không ai mong muốn. Tôi và các đồng nghiệp cũ đều phải đi tìm việc mới” – chị Hà tâm sự.

Theo chị Hà, công ty chị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Do vậy, chị Hà rất mong muốn có công việc mới liên quan đến lĩnh vực kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Nói về các khó khăn khi đi tìm việc, chị Hà bày tỏ, môi trường làm việc và mức lương luôn là rào cản để chị bắt đầu tại công ty mới.

“Công ty nơi tôi từng làm việc là công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, môi trường ở công ty này sẽ khác công ty ở Việt Nam, với các doanh nghiệp trong khu vực nhà nước thì tôi càng khó hoà nhập. Vì vậy mà tôi đang tiếp tục tìm kiếm công việc” – chị Hà nói.

Anh Thắng mong mỏi tìm được công việc trong ngành thiết kế. Ảnh: Hạnh Hà.

Sau 3 năm đi làm, anh Vũ Mạnh Thắng (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) vẫn chưa có công việc ổn định như anh mong muốn. Có nhiều kinh nghiệm trong các ngành nghề khác, song anh Thắng lại cảm thấy mình chưa chắc chắn kĩ năng trong một nghề nhất định.

“Trước kia, tôi từng làm việc ở một công ty về thiết kế, in ấn. Trong ngành dịch vụ - kinh doanh, tôi cũng có kinh nghiệm tư vấn, giao tiếp với khách hàng. Hiện tại, tôi mong muốn tìm được công việc liên quan đến thiết kế” – anh Thắng chia sẻ.

Cả ngày không nhận được một hồ sơ xin việc

Là đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực thủ công sơn mài, mỹ nghệ, song bà Nguyễn Hồng Hạnh – Trưởng bộ phận nhân sự Công ty TNHH Sơn mài mỹ nghệ Hương Đang vẫn chưa tìm kiếm được nhân sự phù hợp.

Bà Hạnh cho biết, công ty này đang tuyển dụng nhiều vị trí khác nhau; với vị trí kiểm kê sản phẩm, công ty cần 5 nhân sự với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng kèm theo các phụ cấp.

Bà Hạnh (bên trái) chưa nhận được hồ sơ nào từ các ứng viên. Ảnh: Hà Hạnh.

“Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng lao động có kinh nghiệm nhưng việc tuyển dụng vẫn chưa được như mong muốn. Cả ngày không nhận được một hồ sơ xin việc” – bà Hạnh thông tin.

Còn bà Đinh Thị Dung - Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Sky Team nhận định, nguồn nhân lực cần tuyển trong lĩnh vực hàng không rất lớn sau dịch COVID-19. Tuy vậy, việc tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này khó khăn do một số tiêu chí tuyển dụng cao. Trong đợt này, đơn vị đang tuyển sinh hơn 100 nhân sự đào tạo cung cấp cho các hãng hàng không và sân bay trong cả nước.

"Đặc thù của ngành hàng không là cần có một khuôn mặt ưa nhìn, không có sẹo. Đó cũng là lí do khiến chúng tôi vẫn khó tuyển dụng được đủ số lượng nhân sự cần thiết" - bà Dung nói.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục tăng tuyển dụng lao động, riêng tại Hà Nội, dự báo cần 120.000 - 140.000 lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng.

Tính riêng tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được tổ chức ngày 26.8 có sự tham gia của 40 đơn vị với tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 2.210 chỉ tiêu tuyển dụng.

Trước đó, tại tọa đàm trao đổi về phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm, theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cho ngành là tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Vấn đề đặt ra là phải làm sao xây dựng, thành lập sàn giao dịch việc làm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và có hiệu quả.

Ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, cung - cầu lao động, các sàn giao dịch việc làm chưa thực sự được kết nối giữa các tỉnh thành, trung ương và địa phương. Nhiệm vụ với ngành là phải xây dựng được mô hình sàn giao dịch việc làm đảm bảo liên thông kết nối thị trường lao động giữa các tỉnh thành trong nước và cả quốc tế, đảm bảo tính pháp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn