MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phần lớn các lao động trẻ cho rằng khi đi làm họ phải đối diện với không ít định kiến, áp lực từ lãnh đạo trực tiếp đến đồng nghiệp. Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Lao động trẻ đối mặt với nhiều áp lực, việc vặt không tên khi đi làm

Mạnh Cường LDO | 07/06/2023 06:58

Phần lớn các lao động trẻ cho rằng khi đi làm họ phải đối diện với không ít định kiến, áp lực từ lãnh đạo trực tiếp đến đồng nghiệp.

Chị Trần Minh Phương (24 tuổi), nhân viên tuyển dụng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết - lúc đi phỏng vấn xin việc, người tuyển dụng hỏi khá kỹ vấn đề vì sao chị nghỉ việc ở công ty cũ. Bên cạnh đó, họ cũng không quên hỏi chị muốn làm việc, gắn bó với công ty bao lâu? Những câu hỏi này khiến cô gái trẻ khá khó xử bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong quá trình làm việc, đôi lúc chị cũng bị sếp mắng khéo: Sao em không chủ động lên, cái gì cũng để nhắc vậy; Kết quả tuyển dụng thế này anh thấy không ổn tí nào; Anh nghĩ năng lực của em làm được tốt hơn thế... Những câu hỏi trên khiến chị Phương vô tình hoài nghi về khả năng của bản thân.

Theo chị Phương, nhiều người quản lý thường suy nghĩ thế hệ trẻ sáng tạo, tài năng hơn rất nhiều so với thế hệ cũ, việc khó cũng cố gắng làm đến cùng không ỷ lại hay nản chí. Và họ thường lấy lý do trả lương bằng hoặc cao hơn những người có tuổi làm lâu năm trong công ty để rồi mặc sức kỳ vọng.

Chị Phương được sếp kỳ vọng rất nhiều trong công việc nên khá áp lực về kết quả phải đạt được hàng tháng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, nữ nhân viên văn phòng cũng phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, người thân và hàng xóm. Học đại học, ra trường phải làm nhân viên văn phòng, ngồi điều hòa, thu nhập 8 con số. Có khó khăn cũng phải đạt được mức lương này sau 1 năm làm việc.

Rồi cả áp lực KPI với các đồng nghiệp khác, nhất là đồng nghiệp hơn tuổi. Thu nhập của chị Phương cao hơn người cũ dù mới vào làm nên được sếp rất kỳ vọng sẽ tạo ra những bứt phá thật ấn tượng. Do đó, ngoài thời gian trên công ty, về nhà chị vẫn phải cố gắng để đạt được kết quả như mong muốn.

Cùng quan điểm, anh Trần Đại Sang (28 tuổi, Nam Định) nhân viên phụ trách bảo hiểm xã hội cho biết trong phòng làm việc chỉ có bản thân anh thuộc thế hệ trẻ (từ 20 đến 30 tuổi), còn lại đều trên 30 tuổi. "Các anh chị đồng nghiệp luôn cho rằng tôi cái gì cũng biết, nhất là công nghệ, nên thường xuyên nhờ vả. Tôi đi làm nhưng luôn có những việc vặt không tên" - anh Sang nói.

Từ excel, word đến các lỗi máy tính thậm chí là mạng xã hội, cứ khi nào gặp sự cố, các anh chị lớn tuổi đều tìm đến tôi đầu tiên. Nhiều lúc không biết nhưng vẫn phải qua xem rồi lên mạng tìm cách khắc phục để giúp, tránh mất lòng các anh chị nhưng lại mất rất nhiều thời gian làm việc.

Đồng thời, anh Sang cũng phải đối mặt với suy nghĩ áp đặt, tuổi trẻ bây giờ mua nhà, mua xe trước năm 30 tuổi. Quá trình làm việc, nam nhân viên thường xuyên trở thành chủ đề để các chị so sánh với con cái của họ hoặc những người tài năng khác họ biết.

Chưa hết, anh Sang cũng phải kiêm thêm nhiều việc không tên chỉ vì chót ghi thêm vào CV cho ấn tượng. Khả năng MC, chụp ảnh ở mức vừa phải nhưng anh vẫn được sếp giao cho nhiệm vụ này mỗi khi công ty có sự kiện. Vì vậy, mỗi lần được sếp nhờ, anh Sang khá lo lắng, cố gắng phải làm thật tốt để ghi điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn