MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nhiều nơi háo hức khi có thể được tăng lương tối thiểu vùng lên 21,15%. Ảnh: Mạnh Cường.

Lao động trông chờ tăng lương tối thiểu vùng lên 20%

Mạnh Cường LDO | 27/03/2024 12:07

Ngoài đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024, nhiều lao động còn bất ngờ vì khu vực mình làm việc có thể được chuyển lên vùng III hoặc vùng II. Điều này đồng nghĩa lương tối thiểu vùng nhận được tăng đến hơn 20% chứ không phải 6%.

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh (26 tuổi, thành phố Thái Bình) cho biết vừa về quê làm việc được nửa năm thì nhận được thông tin có thể sẽ tăng lương tối thiểu vùng. Hiện tại, chị Linh đang làm công việc nhân viên văn phòng tại công ty may mặc, nhận mức lương cơ bản 3,91 triệu đồng/tháng.

Chị Linh cho biết ban đầu chỉ nghe tin sắp tới được tăng lương tối thiểu vùng. Nhưng gần đây đồng nghiệp bàn tán có thể tăng lên trên 21% khiến chị vô cùng tò mò. Tìm hiểu ra, nữ nhân viên biết được đây mới chỉ là dự thảo, tuy nhiên, chị Linh vẫn mong sớm thành hiện thực.

“Khu vực tôi đang làm việc đang dự thảo điều chỉnh từ vùng III lên vùng II. Nếu điều này trở thành hiện thực, lương cơ bản của tôi có thể tăng lên ít nhất 4,4 triệu đồng. Thu nhập nhờ vậy sẽ tăng cao hơn đảm bảo được cuộc sống ổn định nơi thành thị đắt đỏ” - chị Linh cho hay.

Nữ nhân viên cho hay, so với các tỉnh lân cận Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, thành phố Thái Bình là thành phố hiếm hoi đang hưởng lương tối thiểu vùng III, các tỉnh khác đều đã lên vùng II từ lâu.

Chia sẻ với Lao Động, chị Linh cho biết mức lương hiện tại là 7 triệu đồng, trong đó hơn một nửa là lương cơ bản. Khi lương tối thiểu vùng tăng lên 4,4 triệu đồng như dự thảo, lương thực tế chị Linh nhận có thể đạt mức 8 triệu đồng. Mức lương này sẽ giúp nữ nhân viên cùng chồng lo cho các con tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Dung (25 tuổi), công nhân may tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cũng rất háo hức mong dự thảo sớm trở thành hiện thực.

“Lương cơ bản của tôi rất thấp, hai năm nay vẫn chưa tăng trong khi năm vừa rồi rất nhiều tháng chỉ làm giờ hành chính, thu nhập được có 4,5 triệu đồng. Chỉ mong lương tối thiểu vùng tăng càng cao càng tốt để công ty dựa vào đó tăng lương cơ bản cho công nhân” - chị Dung chia sẻ.

Nữ công nhân cho biết, lương cơ bản đang hưởng chỉ có 3,43 triệu đồng/tháng. Mặc dù là một huyện có nền kinh tế chưa phát triển mạnh nhưng mỗi tháng cũng phải có ít nhất 5 triệu đồng mới đảm bảo được cuộc sống.

“Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, tổng thu nhập hàng tháng từ 11 đến 12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó phải nuôi 2 đứa con đã tốn kém 4 triệu đồng/tháng. Chưa kể tiền ăn uống hàng ngày, cỗ bàn, hiếu hỉ và tiền trả nợ hai chiếc xe máy mới mua” - chị Dung tâm sự.

Những lúc ít việc, thu nhập của hai vợ chồng chưa nổi 10 triệu đồng, chị Dung đều ưu tiên việc học tập, ăn uống của hai con và trả nợ mua xe. Quần áo của hai vợ chồng thì hoãn lại, 2 hoặc 3 tháng mua một bộ. Thậm chí, cả hai còn đi cùng một xe đi làm để tiết kiệm tiền xăng.

Khi dự thảo điều chỉnh huyện Thọ Xuân từ vùng IV lên vùng III đồng thời điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng lên 6%, chị Dung cho biết mức lương cơ bản sẽ tăng lên ít nhất 3,9 triệu đồng.

Nhẩm tính nhanh cộng với các khoản phụ cấp, chị Dung nghĩ lương có thể được 5,3 triệu đồng nếu chỉ làm giờ hành chính. Mức lương này sẽ giúp nữ công nhân an tâm hơn, đảm bảo kế hoạch trả nợ và việc học của các con đúng như dự định. Bởi với 4 năm đi làm công nhân, chị Dung biết rõ năm nào cũng có ít nhất 2 tháng công ty ít việc, chỉ làm giờ hành chính.

Xây dựng Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất thay đổi địa bàn áp dụng. Do đó, một số khu vực, lương tối thiểu có thể tăng từ 18,77% đến 21,15%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn