MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động tự do: Năm mới, tôi chỉ mong có sức khỏe

LƯƠNG HẠNH LDO | 04/01/2023 11:15
Mỗi ngày, với lao động tự do, lo cơm đủ ba bữa đã chật vật. Khoản tiền thưởng Tết với họ là điều quá xa xỉ. Bước sang năm 2023, họ mong mỏi có sức khỏe để tiếp tục kiếm tiền, lo cho con cái. 

23h đêm 3.1, cổng sau Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn đông đúc người mua - kẻ bán. Chị Nguyễn Thị Huyền (Hòa Bình) thoăn thoắt làm đồ uống cho khách. Hôm nay khách đông hơn hẳn so với mọi ngày, khuôn mặt chị Huyền không giấu nổi hạnh phúc. 

Chị Huyền mở hàng từ 10h sáng đến khi nào hết khách thì thôi. Ảnh: Lương Hạnh.

2 năm trước, dịch COVID-19 khiến những lao động tự do như chị Huyền phải nghỉ Tết sớm. Trở về quê khi gần như trắng tay, chị Huyền cảm giác như không có Tết. 

Chị Huyền và em gái bán các loại nước ép ở Hà Nội đã gần 8 năm. Chồng và các con ở quê với ông bà, mỗi tháng chị Huyền gửi về 3 triệu đồng cho các con ăn, học. 

"Tôi mở hàng lúc 10h sáng và thường nghỉ bán lúc 23h. Mỗi cốc nước ép tôi bán từ 15.000 - 20.000 đồng tùy loại. Làm nghề này không khác gì đi câu, hôm nào đông khách kiếm được nhiều thì bù cho hôm ít khách", chị Huyền tâm sự. 

Nhiều năm qua, chị Huyền chưa một lần biết đến đồng tiền thưởng Tết. Khoảng thời gian cận Tết Nguyên đán 2023, chị Huyền tranh thủ "cày" để kiếm tiền tiêu dịp này.

"Thời gian cận Tết, tôi mở bán đến khi nào hết khách. Không chỉ tiền tiêu Tết mà tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày giờ chỉ trông chờ vào chiếc xe bán nước ép này thôi", chị Huyền nói. 

Rong ruổi từ sáng sớm ngày 4.1, trên chiếc xe đạp cà tàng, chị Ngân (Phú Thọ) mới thu gom được ít bìa carton và vài vỏ lon bia. Chị Ngân làm nghề thu mua phế liệu đã được 2 năm. Mỗi ngày, chị đạp xe khắp các phố phường của Thủ đô, kiếm được vài chục, hôm nhiều thì vài trăm nghìn đồng. 

Chiếc xe đạp “gánh” cả gia đình của chị Ngân. Ảnh: Lương Hạnh.

Con trai chị Ngân năm nay hơn 18 tuổi, hiện cũng là lao động tự do, thu nhập trung bình khoảng 5-6 triệu đồng. "Có tháng, cháu đưa tôi vài triệu đồng, tháng không có đồng nào đưa mẹ. Mọi chi tiêu trong gia đình trông chờ vào công việc đi thu mua phế liệu của tôi", chị Ngân tâm sự. 

Khi được hỏi về nguyện vọng trong năm mới, chị Ngân cười, nói: "Không mong mỏi gì, chỉ mong có sức khỏe để kiếm tiền".

Vợ chồng anh Trần Văn Hoàng (cùng làm tài xế công nghệ) cho hay, mọi năm hai vợ chồng sẽ chạy xe đến khoảng 28, 29 tháng Chạp mới về Tuyên Quang ăn Tết. Không có thưởng Tết nên quanh năm hai vợ chồng phải chắt bóp chi tiêu, dành dụm để có tiền lo toan cho gia đình.

“Mỗi cuốc xe trong những ngày Tết thường được cộng thêm khoảng 10.000 đồng nên ai có thể sắp xếp chạy tết được thì thu nhập khá hơn. Thường sát Tết, đơn hàng, cuốc xe tăng gấp đôi, có khi chạy đến 11 giờ đêm mới vãn đơn", anh Hoàng cho hay.

Với những lao động tự do, ở lại Hà Nội làm thêm một ngày, họ sẽ giúp con cái có thêm một cái bánh chưng hoặc một cái áo mới...

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề "Thưởng Tết bao nhiêu là đủ?" bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn