MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động tự do đang chật vật với việc mưu sinh hàng ngày. Ảnh: Lê Hoa

Lao động tự do vật lộn mưu sinh

Lê Hoa LDO | 21/02/2024 06:30

Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, nhiều lao động tự do phải vật lộn mưu sinh bằng đủ thứ nghề...

Ít cơ hội việc làm

Ghi nhận một số khu vực như chợ đầu mối Minh Khai, phường Minh Khai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hay Khu công nghiệp Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nhiều lao động tự do đang chật vật tìm kiếm việc làm, nhất là những lao động lớn tuổi.

Lao động tự do phần lớn không có bằng cấp, không có tay nghề hoặc quá tuổi tuyển dụng nên chỉ có thể làm những công việc mang tính chất thời vụ hoặc lao động chân tay. Khi hết việc hoặc không thuận lợi, họ lại phải đi tìm việc khác, công việc và thu nhập bấp bênh khiến đời sống càng vất vả.

Ông Trần Văn Dũng ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã ngoài 60 tuổi nên không đủ điều kiện để đăng ký xe ôm công nghệ. Bất kể nắng mưa, hàng ngày ông phải dậy từ 5 giờ sáng ra Trung tâm dịch vụ thương mại hỗn hợp Hoài Đức ở ngã tư Trôi, thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đón khách.

Theo ông Dũng, trong khoảng thời gian từ 5 - 8 giờ sáng, người dân thường có nhu cầu đi lại cao. Để kịp đón khách, bữa sáng của ông chủ yếu là xôi, mỳ tôm, đôi khi chỉ là cơm nguội còn thừa từ tối hôm trước.

“Để trang trải cuộc sống hàng ngày và dành dụm chút tiền phòng khi ốm đau, tôi phải cần mẫn đi làm. Tuổi này sức khoẻ không còn tốt nhưng gắng làm được ngày nào hay ngày đó...”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Trần Văn Dũng đang chờ khách tại ngã tư Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Lê Hoa

Mặc dù mới 30 tuổi nhưng không có bằng cấp, anh Lê Quang Đại, quê ở xã Phù Chẩn (Từ Sơn, Bắc Ninh) chấp nhận làm thu dọn nguyên vật liệu xây dựng tại các công trường với mức thu nhập chỉ hơn 200.000 đồng/ngày.

Theo anh Đại, làm nghề dọn dẹp tự do, ai gọi thì đi làm và thuê gì làm nấy. Mặc dù đã đi xin việc nhiều nơi nhưng các công ty tuyển dụng đều yêu cầu tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp THCS nên anh Đại chấp nhận làm lao động chân tay.

Ráo mồ hôi là hết tiền

50 tuổi nhưng ông Lê Văn Trình quê ở xã Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) đã mang khuôn mặt khắc khổ. Ông Trình hiện làm bốc vác tại chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo ông Trình, vợ chồng ông có 5 người con. Trước đây gia đình làm ruộng ở quê, dù không dư dả nhưng cũng đủ lo cho các con. Kể từ năm 2008, 2 con lớn nhà ông lần lượt vào đại học, chi phí ăn học của các con ngày một tăng lên, ông bắt đầu phải đi làm cửu vạn từ đó. Đến nay, đã 16 năm ông gắn bó với công việc này.

Ông Trình bốc hàng thuê cho các tiểu thương ở chợ đầu mối Minh Khai. Ảnh: Lê Hoa

“Để có tiền trang trải cuộc sống, anh em cửu vạn phải đánh đổi bằng những giấc ngủ đêm chập chờn, chờ nghe bánh xe tải từ từ lăn vào chợ, chờ nghe tiếng còi huy động anh em... Ngủ say mấy nhưng khi nghe thấy những dấu hiệu này, ít anh em nào bỏ lỡ. Nghề cửu vạn đổ mồ hôi là chuyện đương nhiên, có người đổ cả máu...” - ông Trình bộc bạch.

Cũng theo ông Trình, mới đây trong nhóm anh em cửu vạn với ông có anh Đinh Văn Tuấn, 41 tuổi quê ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang không may bị ngã từ trên xe container xuống trong một lần đang bốc sắt ở huyện Đông Anh (Hà Nội), bị chấn thương sọ não hiện đang nằm liệt một chỗ. Nhiều người trẻ dù có sức khỏe nhưng do mới vào nghề chưa quen, tối về nhức mỏi không chịu nổi, không ít người phải tìm nghề khác sinh sống...

Điều lo lắng nhất của ông Trình, ông Dũng là ngoài tiền công lao động, họ không được hưởng bất cứ một quyền lợi gì, kể cả khi không may bị tai nạn lao động phải nghỉ việc dài ngày...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn