MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên trường tiểu học huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) lặn lội đến nhà các em học sinh nghèo để giao bài tập. Ảnh: Bảo Trung

Lật trang giáo án

Bùi Sĩ Hoa LDO | 19/11/2021 10:00
Bạn tôi là nhà giáo, mách nhỏ tôi tìm đọc bài báo “Đơn xin “lấy chồng” của một cô giáo cắm bản” và nói nếu có thể hãy viết một điều gì đó...

Đó là câu chuyện về một cô giáo sinh năm 1986, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương năm 2009, đã cùng nhiều bạn bè khác hăng hái xung phong đi nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa huyện M. thuộc một tỉnh vùng miền núi phía Bắc. 

Bài báo kể tâm sự thực lòng của cô, rằng: Suốt 12 năm đi “cắm bản”, mỗi khi trang giáo án được lật qua là mỗi lần cơ hội tìm kiếm “tổ ấm riêng” như bị lật qua. Mái tóc xanh đang dần phai lạt, cô giáo nhận thấy mình cũng như bao người khác, xứng đáng có một gia đình, một tổ ấm. Thế rồi, cô nắn nót cầm bút viết lá đơn xin được chuyển vùng, với mong mỏi nếu nguyện vọng được đáp ứng, cô sẽ có cơ hội tìm thấy “nửa còn lại”, dù rất nhỏ!

Bài báo khiến tôi liên tưởng câu chuyện tương tự ở huyện miền núi rẻo cao K. thuộc một tỉnh miền Trung qua lời kể của vị lãnh đạo tỉnh này, trước đó từng làm bí thư huyện này. Rằng, năm ấy, phòng giáo dục - đào tạo báo cáo lãnh đạo huyện có 9 cô giáo dưới xuôi lên cắm bản đã nhiều năm, không kêu ca hay đề xuất về xuôi hoặc đi nơi khác mà chỉ có nguyện vọng “được làm mẹ”! 

Nhận thấy các cô giáo sống, làm việc, sinh hoạt trong khuôn viên trường, rất khó cho việc giao lưu hằng ngày nên lãnh đạo bàn bạc, không ra nghị quyết mà thỏa thuận miệng với nhau, thống nhất giao mỗi xã làm cho mỗi cô giáo một ngôi nhà riêng ở bên ngoài. Bấy giờ có ý kiến e ngại: Liệu làm thế có vi phạm gì Luật Hôn nhân gia đình không nhưng cuối cùng thì dường như ai ai cũng chấp thuận...

Ở trên khắp mọi miền, câu chuyện giáo viên cắm bản và hạnh phúc gia đình còn rất nhiều điều để nói, để quan tâm và giải quyết thấu tình, đạt lý. Bởi nhiều người biết rõ, ngay cả khi có được “một nửa” của mình, hạnh phúc bế bồng trên tay, thì người giáo viên cắm bản vẫn gặp vô vàn khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường. 

Thì đây, câu chuyện cô giáo cắm bản gửi con nhỏ cho mẹ ở thành phố từng gây nỗi xúc động, nghẹn ngào cho nhiều người. Những ngày nghỉ cuối tuần, người mẹ dù nhớ con nhưng không đủ sức lực và thời gian đi xe máy về mà phải chờ kỳ 3 tháng, 6 tháng kết hợp ngày nghỉ, ngày lễ, cắt phép mới về thăm con được. Ở với bà lâu ngày, lâu chưa về, con không nhớ mặt mẹ, thuộc tiếng mẹ nên khi mẹ ùa vào ôm con, con ngoảnh đi rồi sau đó khoanh tay chào… bác! 

Có cô giáo vùng cao vừa kể chuyện vừa khóc trong cuộc gặp nhân ngày 20.11 của Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam cách nay vài ba năm rằng: Ở trường, nghe bà gọi điện báo tin cháu ốm mà không sao về chăm con được, vì đường xa, dốc núi cheo leo, thăm thẳm. Thương con, nhớ con mà mẹ nóng hết ruột gan, không thể làm gì dù là một lời nựng con hay bất cứ việc gì lớn nhỏ, chỉ biết cậy hết ở người mẹ già chưa vơi chuyện con đã dồn chuyện cháu…

Những gian nan, vất vả của giáo viên cắm bản, nhất là giáo viên nữ từng được báo chí, dư luận phản ánh nhiều lần. Rất nhiều chủ trương, chính sách, nhiều hoạt động thiện nguyện được triển khai nhằm giảm thiểu khó khăn cho địa phương, cơ sở giáo dục và các thầy, cô giáo, nhất là thầy, cô giáo cắm bản. 

Dễ thấy trong thực tiễn, việc quan tâm đến đời sống vật chất của đội ngũ giáo viên miền núi, vùng cao được chú trọng thường xuyên hơn, dễ làm hơn. Trong khi đó, đời sống tinh thần lại là câu chuyện khó nắm bắt, khó tiếp cận, khó làm hơn, nếu không có “lá đơn” hay “ý kiến” như câu chuyện ở trên thì rất dễ bị bỏ qua, bị coi nhẹ, hậu quả nhiều khi không lường hết.

Nghĩa là chúng ta phải tiếp tục giành sự quan tâm đầy đủ, toàn diện đối với sự nghiệp giáo dục-đào tạo ở vùng miền núi khó khăn, nhất là đối với đội ngũ giáo viên cắm bản. Phấn đấu để làm sao, mỗi khi “lật một trang giáo án” là “lật sang một trang mới” có ý nghĩa trong những năm tháng cống hiến, và hy sinh cho sự nghiệp trồng người ở nơi rừng cao, núi thẳm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn