MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị em phụ nữ "nghiên cứu" rất kỹ chất lượng, giá các sản phẩm tiêu dùng trong dịp Tết. Ảnh: Hà Anh

Lên kế hoạch chi tiêu cụ thể là rất cần thiết trong dịp Tết

Hà Anh LDO | 13/01/2023 11:00

Đối với nhiều gia đình, đợt mua sắm cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán có lẽ là thời điểm họ phải chi tiêu nhiều nhất trong năm. Để không xảy ra tình trạng “vung tay quá trán”, nhiều người, nhất là chị em phụ nữ đã có kế hoạch mua sắm đồ Tết từ sớm… 

Đều là công chức nhà nước, 2 vợ chồng chị Nguyễn Thu Hoa (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Chị Hoa chia sẻ, vì là dịp Tết nên có nhiều thứ cần mua, do đó tôi phải liệt kê những món đồ cần mua, nhất là nhu yếu phẩm.

“Thực phẩm là thứ không thể thiếu, do đó tôi sẽ dành một khoản tiền không nhỏ để mua thực phẩm tươi sống (thịt gà, lợn, trứng…); thực phẩm khô (nấm, mộc nhĩ, măng khô…); thực phẩm chế biến sẵn (giò chả, nem chua…); ngoài ra còn có bánh chưng, bánh, mứt, kẹo… Đối với những món  trên thì tôi dự định sẽ đi sắm vào ngày 28-29 tháng Chạp. Bởi hiện nay, chợ và siêu thị mở cửa đến tối 30 Tết nên tôi sẽ “thong thả” mua sắm”.

Theo chị Hoa, về thực phẩm dùng trong dịp Tết, gia đình chị tiêu tốn khoảng 4-5 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thu Hoa đi siêu thị mua đồ sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: Hoàng Võ 

Dịp lễ Tết cũng là thời gian để mọi người thể hiện sự tri ân của mình đối với cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, những người đã giúp đỡ mình trong năm qua… Do đó, gia đình chị Hoa cũng dành một khoản tiền cho hoạt động này.

“Quà Tết sẽ là một trong những thứ giúp mọi người gắn kết và thể hiện tình cảm với nhau. Hằng năm gia đình tôi đều để ra một khoản cho việc này. Tôi dự định sẽ chi khoảng 3 triệu đồng để mua quà biếu Tết. Theo tôi, món quà không nhất thiết phải giá trị quá cao, quà chỉ là “phương tiện” để truyền tải tình cảm của người biếu tới người được biếu” - chị Hoa cho hay.

Nữ công nhân mua sắm dịp Tết tại Chợ Tết Công đoàn do LĐLĐ tỉnh Hưng Yên tổ chức. Ảnh: Hà Anh 

Cuối năm, nhất là dịp Tết là thời điểm các doanh nghiệp, cửa hàng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi. Do đó, khách hàng sẽ có nhiều cơ hội để “săn” các mặt hàng tiêu dùng, thời trang, thiết bị gia dụng với mức giá tốt hơn…

Qua tham khảo của anh Hoàng Giang - chồng chị Thu Hoa thì hiện nay hàng loạt hệ thống bán lẻ, siêu thị đang áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại - đây là thời điểm thích chi tiêu “hợp ví” nhất trong năm. 

“Một trong những cách để các gia đình tiết kiệm được chi phí khi mua sắm Tết là tham khảo và so sánh giá. So sánh giá trước khi mua sản phẩm là hình thức mà bất cứ ai cũng cần áp dụng, nó sẽ đem đến cho bạn nhiều sự lựa chọn cũng như đảm bảo được chất lượng hàng hóa khi mua sắm. Tôi thường dành thời gian tìm kiếm các thông tin trên mạng internet về giá cả các mặt hàng tại nhiều nơi bán để so sánh xem chất lượng và của các sản phẩm cần mua, sau đó mới quyết định mua sản phẩm ở đâu” - anh Giang chia sẻ.

Tết năm nay, các con đã lớn, thực phẩm sẽ nhiều và để bảo quản thực phẩm, tiết kiệm chi phí… gia đình anh Giang sẽ mua một tủ trữ đông với giá khoảng 5 triệu đồng.

“Việc lên kế hoạch chi tiêu là vô cùng cần thiết, nhất là trong dịp lễ Tết này. Vì đây là thời điểm mà các gia đình phải chi tiêu cho rất nhiều thứ do đó gia đình tôi phải lập kế hoạch dựa theo kinh tế của gia đình mình, để tránh trường hợp “thiếu trước hụt sau”, “vung tay quá trán”. Dịp trước, trong và sau Tết, gia đình tôi sẽ hạn chế ăn bên ngoài, tích cực dùng bữa ở nhà; mua - vừa - đủ dùng; “săn” các mặt hàng khuyến mãi; bảo quản thức ăn thừa đúng cách…” - chị Hoa chia sẻ kinh nghiệm. 

Trong những dịp Tết Nguyên đán gần đây, gia đình chị Hoa thường dùng hơn một nửa thu nhập trong tháng cuối năm của 2 vợ chồng để chi tiêu cho các khoản mua thực phẩm, quà Tết, quần áo mới, thiết bị gia đình…

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn