MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đọc tin tức trên các nền tảng trực tuyến đã trở thành thói quen thường xuyên của người dùng Internet. Ảnh: Thế Lâm

Liên kết tạo tiền đề cho việc thu phí trả phí

Thế Lâm LDO | 08/07/2020 07:21

Cho tới thời điểm này, ngoài Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua luật buộc các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook phải trả phí bản quyền tin tức thì Australia là quốc gia đầu tiên ngoài EU đang thúc đẩy vấn đề này. Trước áp lực từ báo chí và Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC), Google mới đây cho biết sẽ trả phí cho các nội dung chất lượng cao.

Tiền đề cho việc thu phí, trả phí

Google cho rằng sẽ trả phí cho “nội dung chất lượng cao” của các hãng hãng tin, báo chí tại Australia, Đức, Brazil được đăng tải trên một dịch vụ mới của Google sẽ được chính thức ra mắt vào cuối năm 2020.

Trên thực tế, việc trả phí bản quyền tin tức hay nói cách khác là chia sẻ doanh thu quảng cáo với các báo tại Việt Nam đã được nền tảng msn.com của bộ phận Microsoft News tiến hành từ nhiều năm qua. Song, với các nền tảng trực tuyến toàn cầu khác tại Việt Nam như Google, Facebook, thì chưa ngược lại. Anh Bùi An - quản trị viên diễn đàn HD Việt Nam - cho rằng, một khi Google hướng tới việc đẩy mạnh chất lượng dịch vụ Google News để thu hút nhiều hơn người đọc qua đó bán quảng cáo tại thị trường Việt Nam tốt hơn thì họ cũng có thể chia sẻ doanh thu với các báo.

“Bản chất Google là một doanh nghiệp kinh doanh, có lợi cho họ thì họ sẽ làm. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, chắc chắn họ cũng muốn các báo cung cấp những tin tức chất lượng giúp thu hút nhiều views và bán quảng cáo tốt hơn”, anh Bùi An nói. Theo anh Phước Quốc - quản trị viên kênh YouTube Gen Z, khi Google chia sẻ doanh thu quảng cáo với các báo cũng giống như bên nền tảng YouTube, các báo sẽ có thêm nguồn thu để tái đầu tư cho những nội dung chất lượng hơn, từ đó lại giúp Google thu hút được nhiều lượt xem hơn nữa.

Liên kết để gây sức ép

Nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước cho rằng, việc Google đi đến quyết định sẽ trả phí tin tức cho những nội dung chất lượng cao tại Australia, Đức, Brazil là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của các hãng tin và báo chí địa phương với sự ủng hộ từ phía chính quyền. Tuy nhiên, về phía Facebook thì vẫn chưa đồng ý, thậm chí mạng xã hội này cho rằng có thể chọn phương án loại bỏ các đường link tin tức trên nền tảng của mình. Theo phân tích của anh Bùi An, về lý thuyết, khi các báo cùng liên kết và nếu được cơ quan chức năng hậu thuẫn thì có thể gây áp lực đồng bộ hơn và mạnh mẽ hơn đối với Google và Facebook trong việc buộc họ chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo.  

Mọi việc sẽ thuận lợi nếu hai nền tảng này vì tầm nhìn kinh doanh dài hạn tại Việt Nam, chấp nhận ngồi vào đàm phán và cân nhắc nhượng bộ một phần để làm đẹp lòng đôi bên. Trong trường hợp ngược lại, báo chí bị thiệt về lượng views, song  Google và Facebook cũng thiệt về việc thu hút người dùng ở lại trên nền tảng của mình lâu hơn. “Hai bên đều cần nhau. Giải pháp cấm đoán hoặc cực đoan đều không phải là cách tối ưu. Tuy nhiên, trong trường hợp cần phải quyết liệt các báo “nghỉ chơi” với Google, Facebook thì buộc phải tìm đến những nền tảng khác hoặc tự xây dựng ứng dụng, nền tảng mới để chia sẻ, lan tỏa tin tức và bài viết của mình”, anh Bùi An nói.

Đồng tình quan điểm không nên áp đặt các biện pháp cực đoan, nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng: “Không chỉ cần liên kết báo chí Việt Nam với nhau để gây áp lực để Google, Facebook chia sẻ doanh thu quảng cáo, thiết lập cuộc chơi bình đẳng hơn. Mối liên kết này thậm chí nên triển khai ở phạm vi Đông Nam Á, cần sự hợp sức của báo chí khu vực ASEAN, từ đó sẽ có sự đồng thuận cao hơn với tiếng nói mạnh mẽ hơn để thúc ép Google và Facebook trả phí nội dung chất lượng cao”, ông Phước nêu ý kiến.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn