MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
App đầu tư đa cấp Bounty lừa đảo người chơi. Ảnh: TL.

Liên tiếp cả chục vụ app tiền ảo đa cấp, sàn đầu tư lừa đảo vỡ lở, do đâu?

Thế Lâm LDO | 16/05/2021 13:02
Tính từ thời điểm app đa cấp bảo hiểm 100% vốn Coolcat xảy ra, với việc nhóm đối tượng cầm đầu biệt vô âm tín đến giữa tháng 5, chỉ trong khoảng hơn 2 tháng, đã có gần chục vụ vỡ lở của các app tiền ảo đa cấp...

Những cái tên app về tiền ảo đa cấp, sàn đầu tư đa cấp, sàn giao dịch đa cấp, app giật đơn (hàng) đa cấp… liên tục xuất hiện trên mang xã hội và trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Pi Network, Coolcat, Bounty, Auto Ads, Busstrade, Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss, FXT Token…

App ít nhất, sau khi sự việc vỡ lở, cũng có vài trăm nạn nhân đến cơ quan chức năng trình báo. Trường hợp nhiều, như vụ 4 app Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss, có tới hơn 12.000 người chơi bị lừa nạp tiền vào với tổng giá trị được ghi nhận bước đầu lên tới hơn 4,3 triệu USD.

Và một mẫu số chung là, số tiền từ vài chục tỉ đồng hay hàng ngàn tỉ đồng đều đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Khi các app không còn cho người chơi rút tiền và rút vốn, thì bao nhiêu vốn liếng cùng lợi nhuận cũng mất đi.

Để lôi kéo, từ năm 2020 trở lại đây, các nhóm tổ chức những sàn đầu tư đa cấp về tiền ảo, forex, bảo hiểm, giật đơn… đã đẩy mạnh việc sử dụng những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hotgirl đăng tải quảng cáo tiền ảo đa cấp để dẫn dụ người chơi.

Bằng chứng mới nhất là vụ FXT Token thuộc sàn giao dịch tiền ảo đa cấp Lion Group, đã thông qua một loạt người của công chúng để thực hiện việc chiêu dụ.

Trong các vụ vỡ lở của những sàn giao dịch đa cấp, đầu tư đa cấp về tiền ảo, bảo hiểm…, có một số vụ đã được cơ quan chức năng điều tra phá án, trong khi không ít vụ bị chính các nạn nhân tố giác sau khi họ tiền mất tật mang.

Đặc biệt từ giữa tháng 4 tới giữa tháng 5.2021, liên tiếp các vụ app đầu tư, sàn giao dịch tiền ảo đa cấp bị vỡ lở lại chính từ người chơi phản ánh. Họ cầu cứu đến cơ quan chức năng mong giúp họ lấy lại được khoản tiền mình đã đóng vào.

Lí giải về tình trạng các vụ việc này xảy ra liên tiếp, anh B.A (xin miễn nêu tên cụ thể) – một người đầu tư tiền ảo trên các sàn quốc tế - cho rằng, thời điểm hiện tại cho thấy các sàn tiền ảo đa cấp và forex phái sinh có dấu hiệu lừa đảo đang đạt tới đỉnh điểm của dòng tiền đổ vào. Khi mục tiêu về số tiền muốn chiếm đoạt đã đạt đỉnh, đối tượng “cất mẻ lưới” là điều tất yếu sẽ xảy ra. Như thế, chúng có thể chiếm đoạt được nhiều tiền nhất từ người chơi, dẫn đến các vụ việc vỡ lở nối tiếp nhau.

Khi một vụ bùng ra và các nạn nhân lên tới hàng trăm, hàng ngàn người tố giác đến cơ quan chức năng, những sàn lừa đảo còn lại có thể bị “bứt dây động rừng”, đóng app, ngừng cho rút tiền, biệt tăm một thời gian, và có thể sẽ mở lại tiếp một sàn lừa đảo khác. Đây cũng có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy hiệu ứng dây chuyền sau khi vụ Coolcat vỡ lỡ.

Cũng theo anh B.A, việc đầu tư trên các sàn có dấu hiệu lừa đảo luôn có một nguyên tắc bất di bất dịch: Chuyển tiền vào thì dễ nhưng rút ra thì khó, phải kèm theo các điều kiện như về thời gian tham gia, tổng số tiền đã đầu tư vào, số lợi nhuận đã kiếm được, số thành viên đã mang về cho mạng lưới… Nhìn chung, đó là các rào cản kĩ thuật nhằm hạn chế việc rút tiền rút vốn ra.

Tất tần tật những động tĩnh trên các tài khoản của người chơi đều được nhóm đối tượng cầm đầu theo dõi, giám sát. Khi cảm thấy nguy cơ bị rút tiền ào ạt sắp xảy ra, chúng sẽ ra tay ngăn chặn để tránh “thất thoát” thêm số tiền mà chúng đã chủ ý muốn chiếm đoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn