MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tiếp những vụ nữ sinh bị đánh: Còn nhiều dạng bạo lực học đường khác

Bảo Hân LDO | 14/03/2021 13:15
Liên tiếp những vụ nữ sinh bị đánh xảy ra tại Nam Định, TP. Hồ Chí Minh; rồi vụ giáo viên tại Hà Nội dùng thước sắt đánh học sinh khiến nhiều người lo ngại.

Do xích mích, một nữ sinh lớp 11 Trường THPT Xuân Trường Nam Định) đánh một nữ sinh lớp 10 cùng trường ngay tại nhà vệ sinh trường học.

Hai nữ sinh lớp 10, Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM) đánh nhau trong lớp học. Các học sinh trong lớp chứng kiến nhưng không can ngăn.

Đó là hai vụ việc nữ sinh bị đánh mới đây nhất mà báo chí đăng tải.

Thực ra, câu chuyện nữ sinh bị đánh nói riêng và bạo lực học đường nói chung không phải là chuyện mới. Từ trước đến nay, đã xảy ra rất nhiều vụ việc với tính chất tương tự.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO), không chỉ có bạo lực thân thể, bạo lực học đường còn có nhiều dạng khác.

Theo định nghĩa của UNESCO, bạo lực học đường dùng để nói về mọi dạng thức của bạo lực xảy ra trong và gần trường học đối với học sinh và gây ra bởi những học sinh khác, giáo viên và nhân viên nhà trường. Bạo lực học đường bao gồm cả bắt nạt và bắt nạt trên mạng. Bắt nạt là một trong những dạng phổ biến nhất của bạo lực học đường.

Dựa trên những khảo sát quốc tế, thu thập dữ liệu về bạo lực trường học, UNESCO xếp những dạng thức sau vào bạo lực học đường:

Bạo lực thân thể: Là dạng bạo lực để chỉ những hành vi cố ý gây ra thương tích cho học sinh, gây ra bởi bạn học, giáo viên và nhân viên.

Bạo lực về mặt tâm lý: Như lạm dụng về lời nói, cảm xúc, bao gồm mọi hình thức như cô lập, chối bỏ, phớt lờ, xúc phạm, lan truyền tin đồn, tin thất thiệt, chế diễu, đặt biệt danh mang tính xúc phạm, làm nhục, đe doạ và những hình phạt về tâm lý đối với nạn nhân.

Bạo lực tình dục: Những hành vi như quấy rối tình dục, những đụng chạm mà nạn nhân không mong muốn, ép buộc tình dục, cưỡng hiếp. Những hành vi này có thể gây ra bởi giáo viên, nhân viên nhà trường, bạn cùng lớp hoặc bạn cùng trường.

Bắt nạt: Những hành động, việc làm có tính chất cố ý, hung hăng, xảy ra liên tục đối với nạn nhân.

Có nhiều loại bắt nạt:

Bắt nạt thân thể, như đánh đập, phá hoại đồ đạc của nạn nhân.

Bắt nạt về mặt tinh thần, như chế nhạo, xúc phạm và đe doạ, hoặc lan truyền những tin đồn về nạn nhân, loại bỏ nạn nhân khỏi một nhóm nào đó.

Bắt nạt về mặt tình dục, ví dụ như lấy nạn nhân ra làm trò cười với những câu chuyện đùa, bình luận, cử chỉ về tình dục – những hành vi này tại một số nước được coi là quấy rối tình dục.

Bắt nạt trên mạng: Là một dạng của bắt nạt tâm lý hoặc bắt nạt về mặt tình dục nhưng xảy ra trên môi trường mạng Internet. Ví dụ của việc bắt nạt trên mạng bao gồm: Đưa lên mạng hoặc gửi những tin nhắn, hình ảnh, video nhằm mục đích quấy rối, đe doạ hoặc nhắm vào một người nào khác, thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Bắt nạt trên mạng cũng có thể bao gồm việc làn truyền các tin đồn, đưa lên những thông tin tin sai lịch, những thông điệp gây hại, những bình luận hoặc hình ảnh làm nạn nhân xấu hổ…

Theo UNESCO, bạo lực học đường thường được gây ra bởi học sinh, sinh viên, giáo viên hoặc các nhân viên trường học khác. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện nay cho thấy, bạo lực học đường gây ra bởi bạn học là phổ biến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn