MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn bản giả mạo lịch học tại Lâm Đồng. Ảnh: L.Đ

Liên tiếp phao tin giả mạo liên quan dịch COVID-19, cần phải "học nói"

Thanh Hải LDO | 18/02/2021 12:00

Sau tỉnh Khánh Hòa, tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk... liên tiếp xảy ra các vụ việc làm giả mạo văn bản của nhà nước, thông tin sai sự thật về lịch học của các địa phương này do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh COVID-19 không chỉ gây hoang mang trong dân chúng, xáo trộn các hoạt động xã hội mà còn lộ diện các lỗ hổng về đạo đức, trách nhiệm sống của nhiều người trẻ...

Tại Khánh Hòa, học sinh toàn tỉnh vẫn đi học bình thường từ ngày 17.2, nhưng trước đó, trên mạng xã hội lại lan truyền 1 công văn phao tin cho nghỉ học đến hết tháng 2.2021 để phòng chống dịch bệnh COVD-19. Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa - khẳng định, văn bản này là giả mạo, được sửa chữa từ văn bản của năm 2020.

Trong khi vụ việc chưa được công an chưa xử lý, thì tại Lâm Đồng, 4 học sinh đang học tại các trường THPT ở TP.Bảo Lộc đã chỉnh sửa văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng và đăng tải lên mạng xã hội, chỉnh sửa ngày đi học trở lại của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh từ ngày 17.2 sang ngày 1.3.

Tiếp đó, mạng xã hội Facebook xuất hiện một công văn giả Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk về việc cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên của tỉnh nghỉ học đến hết ngày 28.2 để phòng chống dịch COVID-19...

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đời sống, công việc của nhiều người trong đó có hoạt động giáo dục và đào tạo. Vì vậy, những thông tin giả mạo đã gây xáo trộn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch, gây hoang mang dân chúng.

Đã có rất nhiều trường hợp trên cả nước bị xử phạt hành chính nặng về hành vi tương tự ở các đợt dịch trước đây. Thậm chí, hành vi làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù. Lẽ nào người dân không biết sợ?

Hành vi này cũng cho thấy lỗ hổng lớn về đạo đức, trách nhiệm sống của nhiều người. Từ tấm bé, khi chậm chững đến trường, ai cũng được dạy "học ăn, học nói, học gói, học mở". Đó là những điều cơ bản trong cuộc sống mà con người ta phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho lịch sự, tế nhị, văn minh.

"Nói", thuộc về bản năng là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc nói nhất thiết phải học. Nếu vì tình người, vì trách nhiệm xã hội, vì cái đẹp, người ta sẽ tìm được cách nói điều gì và nói như thế nào, vì sao phải nói. Kẻ ích kỷ, vụ lợi, gian xảo sẽ nói những gì có lợi cho mình, bất chấp sự tổn hại hay tổn thương tới người khác, tới cộng đồng. Tất nhiên, đôi khi nói, viết chỉ đơn giản "chém gió", câu view trên mạng xã hội mà không quan tâm đến hậu quả. Nếu vì tình người, vì trách nhiệm xã hội, vì cái đẹp, người ta sẽ biết nên nói cái gì.

Vì vậy, phạt, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phao tin, đồn nhảm, giả mạo văn bản giấy tờ của cơ quan, nhà nước chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Nhất thiết xem lại cách giáo dục. Cần phải dạy những điều cơ bản về "học ăn học nói, học gói học mở". Đó là trách nhiệm trong từng gia đình, nhà trường, xã hội.

Dạy cho con trẻ học nói: Vì sao nói, nói điều gì và nói như thế nào, "phải uốn lưỡi 7 lần"... đó là những giải pháp cần thiết để giúp trẻ hình thành nhân cách, sống đạo đức và trách nhiệm cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn