MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2018, nhiều người dân đến Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) chất vấn lý do từ chối khởi tố vụ án chủ tiệm vàng vay hàng chục tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ. Ảnh: Hải Đăng

Liên tiếp vỡ hụi ở huyện Yên Thành, Nghệ An, công an khẳng định là vụ việc dân sự

QUANG ĐẠI LDO | 18/07/2023 12:03

Nhiều vụ vỡ hụi, chủ hụi ôm số tiền rất lớn rồi tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn làm hàng trăm hộ gia đình điêu đứng. Tuy nhiên, cơ quan Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) đều cho rằng, vụ việc chỉ có tính chất dân sự.

Thời gian qua, trên địa bàn một số địa phương ở Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ vỡ hụi, vỡ nợ với quy mô lớn gây thiệt hại rất lớn cho những người tham gia.

Như Lao Động đã thông tin, từ đầu năm 2022, bà Lê Thị Hoa (trú xóm Thị Tứ, xã Tân Thành, huyện Yên Thành) thông qua vay phường, bốc phường và vay mượn cá nhân đã nắm giữ số tiền hàng chục tỉ đồng của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Cuối năm 2022, bà Hoa bất ngờ rời khỏi địa phương, những chủ nợ không thể liên lạc. Tuy nhiên, khi dân làm đơn tố giác và lãnh đạo xã đề nghị, Công an huyện Yên Thành lại cho rằng, vụ việc không có dấu hiệu tội phạm, hướng dẫn người dân làm đơn ra tòa dân sự để giải quyết.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành cho rằng, vụ bà Hoa ở Tân Thành vay tiền rồi rời khỏi địa bàn không có dấu hiệu tội phạm. Ảnh: Hải Đăng

Cũng với phương thức vay hụi, bốc hụi, bà Hoàng Thị Lam (44 tuổi, ở xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) đã nắm giữ số tiền hàng chục tỉ đồng của các hộ dân trên địa bàn rồi tuyên bố vỡ hụi. Đến nay, đã có 60 người ký tên làm đơn tố cáo bà Lam chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng của các phường viên. Người nhiều nhất đang bị chủ phường nợ hơn 1,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Công an huyện Yên Thành cho rằng, vụ việc không có dấu hiệu hình sự, đề nghị người dân khởi kiện dân sự. Người dân bức xúc kéo lên huyện kiến nghị, UBND huyện Yên Thành có văn bản, nêu: “Nếu công dân không thống nhất với đề nghị của Công an huyện thì viết đơn gửi lên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.

Trước đó, vào năm 2018, nhiều người dân xã Công Thành, huyện Yên Thành lao đao, mất ăn mất ngủ vì trót gom tiền để đưa cho Phạm Thị Thương (SN 1976, trú tại xóm 6, xã Liên Thành, huyện Yên Thành) vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Khi số tiền của các nạn nhân ước tính hàng chục tỉ đồng, Thương tuyên bố vỡ nợ khiến không ít gia đình lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần. Người dân tố giác nhưng nhận được câu trả lời từ Công an huyện Yên Thành là vụ việc dân sự.

Báo Lao Động cũng phản ánh trường hợp vào năm 2018, hàng chục người dân đã kéo đến trụ sở Công an huyện Yên Thành chất vấn về lý do cơ quan này từ chối khởi tố đối với vợ chồng Tạ Thị Liên - ông Trần Văn Phúc - chủ doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên (trụ sở tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành). Trước đó, mặc dù không được cấp phép hoạt động tín dụng, nhưng cặp vợ chồng này đã tự in, phát hành cuốn “sổ tiết kiệm” giống của ngân hàng, rồi huy động vốn của hàng trăm người dân, với lãi suất cao hơn ngân hàng khoảng 1%.

Sau một thời gian, doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ, với số tiền lên với vài chục tỉ đồng, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh lục đục, khánh kiệt. Tuy nhiên, Công an huyện Yên Thành từ chối khởi tố vụ án với lý do hành vi của chủ doanh nghiệp Phúc Nhiên huy động vốn rồi cho vay lại “không cấu thành tội phạm”.

Trong khi đó, tại địa bàn Nghệ An và nhiều địa bàn khác trên cả nước, cơ quan công an đã khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức phường hụi, huy động vốn trái phép.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn