MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chó không đeo rọ mõm khi ra đường dễ dàng tấn công người. Ảnh: An Khang

Liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em bị chó cắn

Lệ Hà LDO | 15/04/2021 10:11
Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, liên tiếp xảy ra các vụ chó cắn, tấn công người. Đối tượng bị chó cắn chủ yếu là trẻ em, người già.

Những tình huống chó tấn công bất ngờ

Đầu tháng 4 vừa qua, bé Hoàng Trung Quân 3 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang đi dạo với bố mẹ tại Công viên Yên Sở (Hà Nội) bị chó dữ cắn phải nhập viện cả tuần.

Trong lúc đang vui đùa trong công viên thì bất ngờ Quân bị một con chó đen, không có rọ mõm lao tới tấn công. Ngay sau đó, gia đình đã đưa cháu Quân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị vết thương sâu hơn 10cm, dài khoảng 15cm, chạm vào phần cơ, phải theo dõi biến chứng nhiễm trùng.

Trước đó, vào cuối tháng 3.2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại do bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng.

Chó cắn nát mặt một bệnh nhi ở Nghệ An. Ảnh: DH

Cả hai trường hợp đều bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng dại. Sau đó, cả hai xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng dù được cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Một trường hợp chó tấn công bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC

Cũng trong những ngày cuối tháng 3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp em P.H.C (9 tuổi) đến từ Vĩnh Phúc nhập viện do bị chó cắn vào dương vật. Người nhà bệnh nhi cho biết, khi sang hàng xóm chơi, C đã bị chó đẻ tấn công. Chó ta vừa đẻ đã gây ra viết thương dương vật cho bệnh nhi rách lột từ gốc dương vật trở lên.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong tháng 3.2021, bệnh viện còn tiếp nhận người bệnh 87 tuổi ở quận Ba Đình (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do chó Bully nặng hơn 30 kg của nhà hàng xóm tấn công. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương dập nát cẳng tay trái, vết thương hàm mặt phức tạp. Các bác sĩ tiến hành cắt cụt 1/3 dưới cánh tay trái; phẫu thuật cắt lọc, xử lý vết thương hàm mặt phức tạp.

Cụ bà 87 tuổi bi chó Bully nặng hơn 30 kg tấn công. Ảnh: BVCC

Còn rất nhiều ca tai nạn do chó cắn, tấn công đã xảy ra trong thời gian qua. Ca nhẹ thì được xử lý kịp thời nhưng có những ca nặng do không điều trị đúng cách khiến người bệnh mất mạng.

Đừng phải chết oan do chó cắn

Bác sĩ Vũ Hồng Tuân - Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do vết thương chó cắn.

Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo…

Liên tục các trường hợp người dân bị chó cắn trong thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nuôi nhốt chó không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và cần thiết phải có chế tài xử lý nghiêm.

Việc nuôi chó để giữ nhà, làm cảnh ở các gia đình từ thành thị đến nông thôn tương đối phổ biến, nhưng hầu như chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ như nhốt, xích lại trong nhà mà để chó thả rông chạy tự do ngoài đường.

Nhiều chủ nuôi không tiêm phòng cho chó dẫn tới tình trạng chó dễ bị mắc bệnh dại. Ngoài nỗi lo chó cắn người truyền bệnh dại thì chó thả rông còn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn