MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bạo lực học đường gia tăng ở nhiều địa phương.

Liên tiếp xảy ra tình trạng bạo lực học đường trong một thời gian ngắn

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 02/04/2019 16:11

Tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian gần đây. Đã có khá nhiều vụ việc học sinh nữ đánh hội đồng, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Nhức nhối tình trạng bạo lực học đường 

Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc, mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất. Nó diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Cụ thể, ngày 29.3, theo thông tin từ Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ngày 22.3 tại nhà trường đã xảy ra sự việc đáng tiếc khi có một nhóm 5 nữ học sinh lớp 9 đã tham gia đánh bạn ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện điều trị.

Nhiều người không dám xem hết clip vì quá rùng rợn. Họ tự đặt ra câu hỏi nhà trường, gia đình ở đâu mà lại để xảy ra tình trạng như vậy.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống, ngày 1.4 mạng xã hội tiếp tục lan truyền đoạn video một nữ sinh bị hành hung và phải quỳ gối ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Nữ sinh này vừa quỳ gối vừa liên tục khóc lóc trước yêu cầu “mày phải xin lỗi” của nhóm nữ sinh.

Chưa hết, trong điểm nóng dư luận, một cô giáo chủ nhiệm trường THCS Long Toàn, TP.Bà Rịa - Vũng Tàu đã đánh 22 em học sinh trong lớp khiến nhiều em bị bầm tím. Gây bất bình đối với các phụ huynh học sinh.

Bạo lực học đường gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Giải pháp nào cho tình trạng bạo lực học đường?

Theo bạn đọc Nguyễn Minh, bạo lực học đường được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống và chưa có đủ kỹ năng để ứng phó, giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày.

Bạn đọc Lê Quang cho biết, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng.

Cùng quan điểm, bạn đọc Mai Lan cho rằng, những sự việc xảy ra đều có trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Trên thực tế, trong các giải pháp chống lại bạo lực học đường thì giải pháp từ phía gia đình là quan trọng nhất bởi gia đình là nền tảng để giáo dục và quản lý con em mình.

Còn theo bạn đọc Lương Hùng, bạo lực học đường đang trở thành mối lo lắng, quan tâm lớn của toàn xã hội và là vấn đề “đau đầu” của ngành giáo dục. Hàng loạt clip liên quan đến bạo lực học đường được tung lên các trang mạng là một tình trạng đáng báo động.

"Bệnh thành tích đè xuống, khiến giáo viên tìm mọi cách để đạt được thành tích. Để trường có thành tích thì học sinh mắc lỗi giáo viên bị xử lý, lẽ tất nhiên người cuối cùng bị xử lý và không thể chống đỡ là học sinh. Bạo hành trẻ thực chất là ở những thời điểm giáo viên khó kiểm soát bản thân, có nhiều áp lực và thiếu kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm" - bạn đọc Lương Thành nói.

Còn bạn đọc Nguyễn Hằng cho rằng, để có thể ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường, rất cần sự chung tay phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội với nhiều giải pháp khác nhau. 

Theo đó, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn tới con cái, hiểu con; ở lớp học, giáo viên cần sâu sát với học sinh hơn thay vì dùng bạo lực như vụ cô giáo đánh bầm tím chân 22 học sinh tại trường THCS Long Toàn, TP. Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn