MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt gặp gỡ đại diện các đơn vị, doanh nghiệp. Ảnh: www.most.gov.vn

Lĩnh vực công nghệ ưu tiên: Nhà nước cần đặt hàng cụ thể!

Thế Lâm LDO | 26/11/2020 15:23
Phát biểu tại một hội thảo ngành vật liệu, tân Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh việc thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo công nghệ vật liệu mới.

Nghiên cứu và phát triển vật liệu mới là một trong những ngành then chốt của thời đại Công nghiệp 4.0, là một trong những trụ cột cần được ưu tiên. Từ thành tựu của lĩnh vực này, các quốc gia, doanh nghiệp sẽ tạo ra lợi thế sản xuất, sản phẩm và thiết bị có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Vị tân bộ trưởng bày tỏ, mong muốn nhận được nhiều đề xuất về phương hướng phát triển công nghiệp vật liệu trong giai đoạn sắp tới.

Sự phụ thuộc về vật liệu hay vật liệu mới, hàng chục năm nay luôn là vấn đề của các quốc gia, nền sản xuất kém phát triển. Hạn chế của việc thiếu hụt này trước hết là không làm chủ được công nghệ, dẫn đến bị động trong nguồn cung, tác động bất lợi đến sản xuất.

Tiếp nữa là, việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu khiến cho giá thành sản phẩm khó cạnh tranh. Thứ ba, đơn cử từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Huawei đang khốn đốn không chỉ vì bị cắt nguồn cung công nghệ, linh kiện từ các tập đoàn Mỹ, mà bản chất của vấn đề còn cho thấy đó là sự phụ thuộc đi liền với công nghệ là những vật liệu công nghệ cao.

Một điển hình nữa là vào tháng 7.2019, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng khi Nhật đưa ra quy định mới về việc hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ sang Hàn Quốc dẫn đến khả năng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất chip nhớ mà quốc gia này đang dẫn đầu thế giới.

Và theo đó, hoạt động của các công ty Hàn Quốc hàng đầu trong lĩnh vực chip nhớ như Samsung, SK Hynix… có thể lao đao, có thể kéo theo các “ông lớn” công nghệ khác phụ thuộc vào nguồn cung chip nhớ từ các công ty Hàn Quốc như Apple, HP, Sony, Panasonic, Lenovo… cũng lao đao theo.

Cuộc chiến vật liệu mới giữa các nền kinh tế và về nền công nghệ lớn trên thế giới thể hiện đầu tiên ở việc chạy đua nghiên cứu và phát triển ra các nguyên vật liệu mới tối ưu nhất phục vụ cho sản xuất.

Song mặt trái của cuộc chiến này, chính là tình trạng cắt nguồn cung khiến cho đối thủ cạnh tranh hoặc có thể trước đó là đối tác, phải lao đao. Thậm chí, nguồn cung nguyên vật liệu cho công nghệ cao có thể bị biến thành con tin để sự đổi chác…

Tân Bộ trưởng mong muốn có sự đề xuất từ các tổ chức, đơn vị và khối doanh nghiệp có những nghiên cứu và phát triển về công nghệ vật liệu mới.

Tuy nhiên ngược lại, về phía các tổ chức và doanh nghiệp, lại mong mỏi được Nhà nước, cụ thể là các bộ ngành, thậm chí là chính quyền địa phương, có những đặt hàng cụ thể và rõ ràng, từ mục tiêu đến môi trường triển khai áp dụng, tạo đường dẫn cho các nghiên cứu công nghệ được hiện thực hóa trong cuộc sống và thương mại hóa trên thị trường.

Giám đốc một doanh nghiệp quốc doanh về công nghệ tại TPHCM tâm sự: “Doanh nghiệp nhà Nước thì có thể phải nghiên cứu theo chỉ đạo, nhiệm vụ được giao cho dù chưa biết kết quả được áp dụng hay không, hoặc được áp dụng tới mức nào. Song đối với doanh nghiệp tư nhân, nếu không có đặt hàng cụ thể, họ sẽ không dám nghiên cứu vì sẽ tốn kém không ít chi phí nhưng lại không biết có thu hồi được vốn hay không”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn