MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc "đội quân livestream" tại đám tang cố nghệ sĩ Anh Vũ (ảnh cắt từ clip)

Livestream - từ "ngôi sao" bán hàng đến “ngôi sao” lệch chuẩn xã hội

Thế Lâm LDO | 31/05/2021 19:20
Ngay khi xuất hiện trên Facebook, dịch vụ livestream dường như đã tạo ra một “đài truyền hình” với hàng tỉ “nhà đài” lớn nhỏ.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng từ 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng, hầu hết trên môi trường Facebook, được xem là kinh tế livestream.

Ngoài livestream bán hàng, trên nền tảng Facebook còn xuất hiện nhiều phiên livestream sự kiện (thời điểm dịch bệnh COVID-19 tạm lắng), livestream của những người nổi tiếng nhằm chia sẻ các thông tin về đời sống, hoạt động thiện nguyện

Môi trường mạng xã hội “rộng mở” cơ hội cho nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp, có thể trở thành những “ngôi sao” với hàng ngàn người xem, hàng triệu người theo dõi trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, việc trở thành “ngôi sao livestream” trong không ít trường hợp lại khá dễ dàng và nhanh chóng. Nhờ mang lại những câu chuyện đáp ứng sự tò mò của số đông người xem, nhiều người livestream ngộ nhận về tài năng và quyền lực bản thân, tự cho mình quyền phán xét, áp đặt suy nghĩ lên người khác.

Gần đây, khi hàng loạt nghệ sĩ bị cuốn vào những phiên “livestream đình đám”, mà đa phần là bị xâm phạm về thông tin đời tư, xúc phạm cá nhân, thì môi trường livestream trên Facebook đã phát sinh thêm sự phức tạp mới: Hành vi sử dụng thế mạnh môi trường trực tuyến với nhiều người theo dõi để khiêu khích, hạ bệ người khác, tự cho phép mình có cái quyền buộc những người được/bị đề cập phải lên tiếng, hoặc phải chịu lép thì mới yên.

Sự lệch lạc của những “ngôi sao livestream” như vậy đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong xã hội, càng khiến môi trường "truyền hình trực tuyến" trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, thậm chí biến tướng trở thành phương tiện truyền tải những quan điểm về xã hội, đối nhân xử thế lệch chuẩn.

Lỗi ở đây, không chỉ ở chính những người dùng phương tiện livestream theo cách quá lố để “tuyên chiến” với người khác, mà còn do sự cổ vũ, tán dương quá đà của người xem. Sự cổ vũ bầy đàn này càng khiến các “ngôi sao livestream” ảo tưởng về vị thế đến mức vĩ cuồng, không quan tâm đến điểm dừng và các chuẩn mực về phát ngôn, hành xử trên môi trường mạng.

Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng không chấp nhận việc dùng phương tiện livestream trên mạng xã hội để vu khống, xúc phạm, làm nhục người khác.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP về qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15.4.2020 có nhiều điều khoản chế tài, xử lí đối với những hành vi này.

Ngay cả Facebook, một nền tảng mang tính toàn cầu, với tiêu chuẩn cộng đồng của mình cũng không cho phép người dùng lợi dụng các tính năng về livestream để thực hiện các hành vi như vậy.

Thế giới trực tuyến, hay còn được gọi nôm na là thế giới ảo, nếu không có các chuẩn mực về hành xử, văn hóa ứng xử, nói chung là tiêu chuẩn về cộng đồng mà mọi người dùng cần tuân thủ nghiêm túc, thì rất dễ trở thành nơi phức tạp, hỗn loạn, hệ lụy gây ra lớn hơn nhiều so với lợi ích nó mang lại.

Những “ngôi sao livestream” trên mạng xã hội đã tạo được hiệu ứng truyền thông xã hội nhất định nhờ mang đến được những câu chuyện, những thông tin được nhiều người chờ đón. Nhưng một khi những câu chuyện được rất nhiều người quan tâm, tò mò theo dõi lại hướng về công kích cá nhân, xúc phạm người khác, thì lại rất gần với việc vi phạm pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn