MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tích luỹ cho tuổi già là trăn trở của nhiều gia đình hiện nay. Ảnh minh hoạ: Minh Hương

Lo lắng tuổi già không tích luỹ

Cam Ly LDO | 08/11/2023 06:37

Nhiều gia đình trẻ lo lắng khi đứng trước áp lực kinh tế, nghĩ về tài chính hiện tại và tương lai tuổi già. Tích luỹ cho tuổi già là trăn trở của nhiều gia đình hiện nay.

Chị Mai Anh (35 tuổi, Hà Nội) đang là giáo viên tiểu học, chị đã lập gia đình và có 2 người con bắt đầu bước vào cấp 2.

Tổng thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị Mai Anh khoảng 25-30 triệu đồng. Tuy số tiền không phải quá ít so với mặt bằng chung nhưng sau khi hết tháng, anh chị vẫn chỉ dành được khoản rất nhỏ để tiết kiệm, thậm chí có tháng vượt quá mức chi trung bình.

Những khoản chi cố định hàng tháng là tiền học của con cái, dịch vụ, thuê nhà, ăn uống, ngoài ra còn có tiền phụng dưỡng cha mẹ, nhu cầu vui chơi, giải trí và rất nhiều khoản chi nhỏ lẻ khác.

Vợ chồng nữ giáo viên quan niệm con cái phải có được môi trường học tập tốt nhất nên luôn cố gắng đầu tư cho con vừa học tại trường vừa được tham gia các hoạt động ngoại khoá. Đây cũng là khoản chi lớn nhất hàng tháng của gia đình chị.

Chị Mai Anh chia sẻ, vào những tháng mùa hè cao điểm nắng nóng, tiền điện tăng cao hơn bình thường, có những lúc gấp đôi các tháng trước, chưa kể vật giá biến động hay cả tiền thuốc thang, ốm đau bất ngờ. Trong khi đó, lương của vợ chồng chị thì vẫn vậy.

"Tôi rất lo lắng mỗi khi nghĩ về kế hoạch chi tiêu. Nếu tiếp tục như vậy, không biết khi về già liệu chúng tôi có được căn nhà của riêng mình hay không chứ chưa nói đến việc tích lũy” - chị Mai Anh nói.

Còn với anh Hoài Phát (39 tuổi, Hà Nội), anh luôn tự nhủ phải hoạch định cách chi tiêu để chắc chắn có khoản dưỡng già, cố gắng tăng thêm nguồn thu bằng mọi cách.

Chỉ vài tháng nữa, vợ chồng anh Phát bước sang 40. Anh và vợ cùng học chuyên ngành về kinh tế nên từ lâu đã vạch ra 1 số kế hoạch tài chính cho tuổi trung niên.

Anh Phát luôn cố gắng dành nguồn tiền tiết kiệm cho việc đầu tư dài hạn như vàng hay bất động sản để có một nền tảng tài chính vững vàng, đặc biệt khi kinh tế đang giai đoạn khủng hoảng.

Năm 2019, bằng tiền tiết kiệm và đầu tư, vợ chồng anh Phát đã trích ra một khoản xây 20 phòng trọ cho thuê để có dòng tiền thụ động đóng bảo hiểm hàng năm, lo chi phí học thêm hoặc các hoạt động ngoại khóa cho các con cũng như phụng dưỡng cha mẹ già.

“Cho thuê thì thu tiền lẻ, nhưng ai từng trải qua dịch bệnh, thu nhập bị ảnh hưởng ít nhiều, mới thấy dòng tiền thụ động quý như thế nào” - anh Phát bộc bạch.

Với anh Phát, con cái là điều anh luôn chú trọng nhưng không mang tư tưởng đầu tư cho con để trở thành “bảo hiểm” tuổi già cho mình. "Không ai lo cho mình tốt hơn chính bản thân", vậy nên theo ông bố này, cần chuẩn bị tài chính trước khi bước vào tuổi già.

Anh Phát chia sẻ, kể cả việc báo hiếu cha mẹ cũng nhất định phải làm, nhưng làm như thế nào thì còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, quan trọng là tấm lòng

Hiện, vợ chồng anh Phát vẫn duy trì việc đi làm để có thu nhập cũng như giúp bản thân phát triển. Những thời điểm căng thẳng, anh sẽ xin nghỉ việc không lương để nạp lại năng lượng. Anh không muốn bản thân rơi vào cảnh "trẻ đánh đổi sức khỏe đi kiếm tiền, già dùng tiền kiếm được đi mua sức khỏe".

Đối với anh Phát, tiền cần được tiết kiệm không chỉ để lo cho tuổi già mà còn để phòng thân những lúc hoạn nạn, khó khăn.

Theo một số chuyên gia, tỉ lệ người cao tuổi ở nông thôn không có tích lũy chiếm tới 70% so với thành thị. Việc chủ động chuẩn bị cho tuổi già không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người cao tuổi mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn