MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở bờ sông sau khi nuốt nhiều ha đất màu, nay đã áp sát ruộng của gia đình ông Cần. Ảnh: Trần Tuấn.

Lo lắng vì sạt lở bờ sông Lam nuốt đất sản xuất

TRẦN TUẤN LDO | 13/01/2024 18:09

Hà Tĩnh - Nhiều nông dân xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) đang rất lo lắng khi sạt lở bờ sông Lam ngày một nghiêm trọng, sau khi đã nuốt nhiều ha đất sản xuất hoa màu, nay áp sát đến đất ruộng.

Nông dân lo mất ruộng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, sông Lam, đoạn qua xã Xuân Lam có dòng chảy đổ thẳng vào cánh đồng nơi đây sau đó mới đổi dòng ngoặt ra một góc 90 độ. Do vậy, cánh đồng đối diện với dòng chảy bị sạt lở nặng nề tạo thành những hàm ếch sâu kéo dài khoảng 2km. Tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn hàng ngày khi dấu vết sạt lở còn rất mới.

Ông Nguyễn Ngọc Cần (68 tuổi, trú thôn 2, xã Xuân Lam) có thửa ruộng đã bị sông sạt lở áp sát đến bờ ruộng - cho biết, trước đây, sông cách xa khoảng 150m, nhưng sau nhiều năm sạt lở đã “nuốt” hết đất sản xuất hoa màu ngô, lạc, nay đã tiến sát đe dọa đến đất ruộng.

“Mới có năm ngoái đến năm nay, qua một mùa mưa lũ mà bờ sông đã sạt lở thêm vào khoảng 4 đến 5 mét rồi. Tình trạng này nếu nhà nước không có dự án kè bờ sông thì nguy cơ nông dân chúng tôi sẽ mất ruộng, vì ruộng sẽ biến thành sông” - ông Cần lo lắng.

Bà Hoàn lo lắng sạt lở rồi sẽ tiến đến ruộng của gia đình mình nếu không có dự án kè bờ sông. Ảnh: Trần Tuấn.

Bà Hoàng Thị Hoàn (60 tuổi, trú thôn 2 xã Xuân Lam) cũng đang gieo sạ cạnh ruộng nhà ông Cần - cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông Lam ăn sâu vào đất sản xuất nơi đây, nhiều năm qua, người dân đã kiến nghị nhà nước thực hiện dự án kè chống sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.

Bà con rất mong sớm có dự án kè để bảo vệ đất sản xuất, nếu không người dân mất ruộng thì hết kế sinh nhai.

Mong sớm có dự án kè bờ sông

Ngày 13.1, lãnh đạo UBND xã Xuân Lam - cho hay, tình trạng sạt lở dọc sông Lam qua địa bàn xã này diễn ra nhiều năm nay, với bình quân mỗi năm sạt lở sâu vào thêm khoảng 5 - 7m đã thu hẹp đất sản xuất hoa màu của khoảng 50 - 60 hộ dân các thôn 1, 2, 3 và bắt đầu đe dọa đến phần đất ruộng của họ.

Chỉ tính khoảng 5 năm trở lại đây thì đất màu của dân ở khu vực đó đã bị sạt lở, sông lấn vào khoảng 3 đến 4ha nên người dân rất lo lắng.

Nguyên nhân sạt lở do dòng chảy của dòng sông đâm thẳng vào khu vực đồng ruộng ở xã Xuân Lam nên gây ra sạt lở nhanh theo thời gian, nhất là những năm có mưa lũ lớn.

Sạt lở nặng nề bờ sông Lam qua xã Xuân Lam. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Đặng Văn Hoài - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam - cho biết, tình trạng sạt lở sông Lam thu hẹp đất sản xuất của người dân, chính quyền đã nhiều lần đề nghị cấp trên bố trí kinh phí để thực hiện dự án kè bờ sông.

Tuy nhiên, để kè được bờ sông ở đó cần kinh phí cả nghìn tỉ đồng nên rất khó khăn, chưa biết bao giờ có dự án triển khai được.

Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân cũng cho hay, cách đây vài tháng, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp cùng Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện, Chi cục Thủy lợi đi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông Lam qua xã Xuân Lam.

Qua kiểm tra, đã ghi nhận tình trạng sạt lở nặng bờ sông nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có dự án gì kè bờ sông đoạn qua xã này. Huyện cũng rất mong cấp trên quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện dự án kè bờ sông tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn