MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên ngành Y Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: VLU

Lo ngại chất lượng đầu ra của sinh viên xét tuyển ngành Y bằng môn Văn

LƯƠNG HẠNH LDO | 24/05/2023 16:08

Trong 27 đại học đào tạo ngành Y khoa của cả nước, có 4 trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển. Nhiều bạn đọc cho rằng, phương thức xét tuyển này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu ra ngành Y. 

Lần đầu tiên trường Đại học Văn Lang (TP HCM) tuyển sinh ngành Y khoa bằng các phương thức: Xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp, dựa vào học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 

Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và trường Đại học Tân Tạo (Long An) thì cùng sử dụng tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) để tuyển ngành Y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Các tổ hợp khác là B00, D08 và A02 (Toán, Lý, Sinh).

Ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, trường Đại học Duy Tân xét tuyển ngành Y khoa bằng bốn tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn), B00 (Toán, Hoá, Sinh), D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ). Trong 27 đại học có đào tạo ngành Y khoa của cả nước, chỉ 4 trường đại học trên sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển.

Bạn đọc Thanh Tú chia sẻ: "Việc dùng môn Văn chưa phải yếu tố đánh giá nói năng lưu loát của một người, trong đó có bác sĩ. Nếu đưa quan điểm phải học giỏi môn này để thành bác sĩ giỏi, vậy thì những thế hệ đi trước không dùng môn Văn để xét tuyển vào trường y có nghĩa là không giỏi ư?".

Đồng quan điểm, bạn đọc Thu Hiền cho hay: "Học giỏi Văn chưa chắc giỏi kỹ năng giao tiếp hay nắm bắt tâm lí bệnh nhân. Kỹ năng giao tiếp và nắm bắt tâm lí bệnh nhân là một môn học trong trường y chứ không phải dùng để trở thành tiêu chí tuyển sinh đầu vào. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, cần phải kiểm tra số lượng, chất lượng đào tạo nhân lực ngành y của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước". 

Cho rằng môn Văn chỉ hợp xét tuyển với các trường có đào tạo bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành tâm lí, bạn đọc giấu tên viết: "Nếu là bác sĩ tâm lí còn có thể chấp nhận là môn này có tác dụng để xét tuyển đầu vào. Thế nhưng, với sức khỏe thể chất, tôi không thấy cần thiết ở điểm nào? Không lẽ phải đưa ra một bài văn để kê đơn thuốc?".

Là một người làm việc trong ngành Y, bạn đọc Nguyễn Kiên bày tỏ: "Sau khi lên đại học, tôi nhận thấy sinh viên từng giỏi môn Toán ở bậc THPT sẽ dễ trở thành bác sĩ giỏi hơn. Kiến thức là mênh mông, từ kiến thức trên sách vở đến thực tế là khoảng cách rất xa. Nếu được đề xuất một môn cần thiết cho ngành y, tôi đề xuất môn Toán. Môn học này sẽ xem xét khả năng suy luận giải quyết tình huống một cách logic, phù hợp với ngành này".

"Tổ hợp xét tuyển "truyền thống" của ngành Y là Toán, Hóa, Sinh. Nếu ngay từ đầu vào, sinh viên đã không có năng lực học giỏi Hóa, Sinh thì sao học được các môn đó phiên bản đại cương đến chuyên ngành tại trường y. Những tổ hợp có môn Văn sẽ vô tình thu hút sinh viên đầu vào kém và sẽ tạo ra nhân lực ngành y kém. Nếu đã quyết tâm làm bác sĩ thì phải học giỏi Toán, Hóa, Sinh ngay từ khi còn học THPT và chọn học tại các trường đại học hàng đầu về ngành y. Chỉ có như thế mới trở thành một bác sĩ giỏi, đáng tin cậy với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân" - bạn đọc Tùng Nguyên viết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn