MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây hoa sữa trước nhà số 16 Thể Giao mục nát, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Lo ngại loạt cây xanh chết khô gãy đổ trước mùa mưa bão

Vĩnh Hoàng LDO | 30/06/2023 06:54

Hà Nội - Nhiều cây xanh chết khô, trụi lá trên một số tuyến phố, tiềm ẩn nguy hiểm khi mùa mưa bão đang tới gần.

Vừa đi, vừa phải quan sát phía trên đầu, bà Hồ Thị Quỳnh (58 tuổi, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng) cho biết, đây là thói quen mỗi khi di chuyển trên con phố Thể Giao của bà.

"Mỗi mùa mưa bão, đi qua đây đều phải ngó trước, ngó sau để không bị cành cây rơi vào đầu", bà Quỳnh nói.

Lí giải cho việc này, bà Quỳnh cho biết, trước số nhà 16 phố Thể Giao (quận Hai Bà Trưng), có một cây xanh hiện đã chết, thân đã mục nát lâu ngày, cùng với đó xuất hiện vết nứt rộng, sâu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trước mùa mưa bão.

Rào bảo vệ tầng thượng hư hỏng nặng sau khi bị cành cây rơi vào. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cây xanh tại số 16 phố Thể Giao đã mọc cả nấm sau thời gian dài không được chặt hạ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

"Vào đợt mưa bão hai năm trước, khi gia đình tôi đang ngủ thì bỗng nghe một tiếng rầm, ra ngoài mới phát hiện một cành cây đã rơi vào nhà hàng xóm khiến tấm rào bảo vệ tầng thượng hư hỏng. Không biết nếu cành cây rơi trúng người sẽ có kết cục như thế nào", bà Quỳnh cho biết.

Theo bà Quỳnh, những lúc mưa to, luôn cố gắng đi cách xa khu vực vỉa hè để phòng trừ trường hợp thân cây có thể đổ gục.

"Mong cơ quan chức năng nếu chưa thay được cây ở vị trí này thì hãy di chuyển cây đi chỗ khác, vì hiện nay cây đã chết, rễ cây yếu mà thế cây lại xiêu nên nguy cơ đổ, gãy là rất cao", bà Quỳnh nói.

Thân cây đã bị mục do cây đã chết từ lâu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ngay đối diện, tại số 9 phố Thể Giao, cây cây hoa sữa tại đây cũng đã chết khô được 2 năm, gốc cây đã bị mục nát, không còn nguyên vẹn.

Chủ quán ăn tại nhà số 9 phố Thể Giao cho biết, ban đầu cây sống rất khoẻ, nhưng từ khi cây bị cắt rễ để phục vụ việc lát vỉa hè thì đã bắt đầu có dấu hiệu chết dần.

Chủ quán ăn tại số 9 phố Thể Giao chia sẻ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

"Cây mục hết cả phần bên trong, chỉ cần lấy tay chạm nhẹ thì cây đã rung lên bần bật. Dù đã nhiều lần gửi đơn thư mong chính quyền cắt bỏ cây nhưng hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời", chủ quán ăn nói.

Cách đó chừng 1 km, trên phố Huế, một cây có đường kính lớn khoảng 30 cm đã khô héo, vỏ cây đã bắt đầu bong tróc nhưng chưa được đánh chuyển, cắt hạ.

Cây xanh trên phố Huế mục nát, vỏ cây đã bong ra khỏi thân. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vỏ cây tách ra khỏi thân cây trên tuyến phố Huế. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố dự kiến cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ thấp độ cao khoảng 69.400 cây.

Các đơn vị đã lên kế hoạch, tập trung lực lượng cắt sửa cây nguy hiểm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, thời gian hoàn thành trong quý II/2023. Với các tuyến đường hệ thống cây chưa thực sự nặng tán, sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và thực hiện trong quý III và quý IV/2023.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, công ty đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực thực hiện cắt sửa cây xanh.

Dự kiến đến hết quý II/2023, trước thời điểm mùa mưa bão đến, sẽ hoàn thành việc cắt sửa khoảng 50.000 cây xanh.

Hiện nay, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã thành lập các tổ cơ động nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ khắc phục sự cố gãy đổ cây xanh khi mưa bão xảy ra; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở Xây dựng, các phòng ban thuộc UBND các quận để tổ chức lực lượng xử lí cây xanh gãy đổ kịp thời và hiệu quả nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn