MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều phụ huynh có thói quen khoe con trên mạng xã hội. Ảnh: Đỗ Vi

Lo ngại rò rỉ thông tin khi khoe giấy khen của con lên mạng

LƯƠNG HẠNH LDO | 31/05/2023 13:33

Kết thúc năm học, không ít phụ huynh đăng tải hình ảnh con trẻ, giấy khen, giấy chứng nhận đạt giải trong các kì thi... lên mạng xã hội. Tâm lí muốn “khoe” con chăm ngoan, học giỏi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc này đã vô tình làm lộ thông tin của con trẻ; nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em, và quyền thông tin cá nhân.

Từ suy nghĩ đơn giản

Chị P.T.T (SN 1992, Lào Cai) có hai con: một trai, một gái đang học tiểu học. Năm học vừa qua, hai con đều được nhận bằng khen học sinh xuất sắc từ nhà trường, chị T không khỏi vui mừng, xúc động. Đó chính là lí do khiến chị T đăng hình ảnh con kèm giấy khen lên mạng xã hội facebook để chia sẻ niềm vui với bạn bè, họ hàng.

Bài viết đã nhận được hơn 500 lượt thích và rất nhiều bình luận chúc mừng các con của chị. Cùng với đó là những lời khen ngợi sự dạy dỗ, giáo dục tốt từ phía gia đình, nhà trường.

“Tôi vẫn thường xuyên đăng ảnh các con và thành tích của các cháu, nhờ facebook lưu giữ các khoảnh khắc đáng nhớ. Sau này khi các con trưởng thành cũng sẽ dễ dàng xem lại được” - chị T tâm sự.

Tương tự, chị L.B.H (SN 1989, Lào Cai) có con gái vừa kết thúc cấp học tiểu học. Nhận tấm bằng khen học sinh xuất sắc, cùng các giấy khen đạt giải Olympic tiếng Anh cấp trường, chị H rất tự hào với các kết quả mà con gái đã đạt được.

Khi được hỏi về tình trạng lộ lọt thông tin của con trẻ thông qua việc đăng hình ảnh, bằng khen trên mạng xã hội, cả chị H và chị T đều đưa ra suy nghĩ đơn giản. Những thành tích của con đáng để họ và gia đình tự hào, đem “khoe”. Các bậc phụ huynh không nghĩ đến mức độ nghiêm trọng của vấn đề lộ lọt thông tin con trẻ.

Đến rò rỉ thông tin con trẻ

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung trên mạng, giúp các em không bị "phơi nhiễm" trước thông tin xấu, độc.

Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lí hình ảnh và văn bản, còn việc xử lí video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc nào. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng.

"Chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con trẻ một cách vô tư, không kiểm soát lên mạng xã hội, các diễn đàn... Điều này có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ em" - bà Hoa nhận định. 

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng, việc bảo vệ con trẻ trước thực trạng tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ.

“Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ bằng chính cha mẹ" - ông Nam nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn