MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù bị theo dõi đặc biệt, Quốc lộ 37 đoạn qua Yên Bái vẫn triền miên vỡ kế hoạch về đích. Ảnh: Tân Văn.

Lộ nguyên nhân khiến Quốc lộ 37 đoạn qua Yên Bái nâng cấp mãi không xong

Nhóm PV LDO | 06/06/2023 12:28

Không chỉ bị đội vốn, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn tỉnh Yên Bái (dù bị Bộ Giao thông Vận tải cho vào diện theo dõi đặc biệt) còn phát sinh nhiều vấn đề trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, Phó Chủ tịch huyện Trấn Yên - ông Nguyễn Đức Mầu - còn bị người dân tố cáo đích danh đến các cấp chức năng.

Dân không đồng thuận, đường khó thi công

Báo Lao Động đã có nhiều bài viết về các dự án chậm tiến độ tại Yên Bái bị Bộ Giao thông Vận tải đưa vào diện theo dõi đặc biệt, trong đó có Dự án nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn km 280 đến km 340+00.

Dự án được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt từ năm 2009, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 427,1 tỉ đồng, Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư và đại diện là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Yên Bái.

Do nhiều vướng mắc với người dân, dự án nâng cấp QL37 đoạn qua địa bàn Yên Bái chưa thể hoàn thành. Ảnh: Tân Văn

Ngày 2.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái thừa nhận dự án mới chỉ đạt 90% khối lượng, dù hạn cuối Bộ GTVT cho phép là 31.12.2022.

Dù vị Giám đốc Sở không tiết lộ cụ thể nhưng theo tìm hiểu của PV, chỉ riêng trong lĩnh vực đền bù, giải phóng mặt bằng, chi phí bị đội lên đã khoảng 30 tỉ đồng.

Liên quan đến câu chuyện này, phản ánh đến Báo Lao Động, hàng chục hộ dân tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho rằng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án có rất nhiều điểm khuất tất; cách làm việc của Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư (do ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên làm Chủ tịch Hội đồng) còn nhiều điều khó hiểu.

Theo các hộ dân, việc đền bù GPMB không được Hội đồng công khai quy hoạch; không công khai bảng giá đền bù; giá đền bù được áp không đúng quy định. Đặc biệt, có nhiều hộ dân nhà nằm sát đường mong giải tỏa thì không được đền bù trong khi có những hộ hoàn toàn nằm ngoài khu vực tác động, lại nhận được đền bù.

Đơn cử như hộ ông Hoàng Văn Xuân bị thu hồi trên 700 m2 với số tiền đền bù khoảng 152 triệu đồng, tuy nhiên đoạn quốc lộ đi qua vị trí thửa đất này vẫn hoàn thành dù không hề tác động vào 700 m2 đất đã thu hồi.

Ngôi nhà “hụt” nguyên tầng 1 khi dự án đường nâng cấp thi công. Giờ đây, khói bụi và rung lắc đang ngày ngày tra tấn người dân. Ảnh: Tân Văn

Mặt khác, các gia đình anh Lý Hải Dương, bà Triệu Thị Bình (cùng trú thôn Lương Thiện) đang lâm cảnh mép đường quốc lộ chắn ngay trước cửa nhà. Sau khi nâng cấp, mặt đường đôn lên cao cả mét, mỗi khi mưa xuống nhà trở thành nơi chứa nước đọng.

Hoàn cảnh của 2 anh em Triệu Quý Đình - Triệu Quý Lâm còn oái oăm hơn. Sau khi nâng cấp, đường cao ngang tầng 2 ngôi nhà. Nhà của 2 anh em lọt thỏm xuống 1 hỏm sâu, không có đường đi lối lại, quay quắt với cảnh mưa lầy, nắng bụi.

Tuy vậy, các hộ trên đều cho rằng không nhận được đền bù thỏa đáng.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường của Nhà nước. Không ít hộ ở đây còn chủ động giao đất trước cả khi nhận quyết định đền bù để mong đường xong sớm. Nhưng cũng có những cái bất cập quá, chúng tôi không thể im lặng mãi, chỉ yêu cầu được minh bạch thông tin", ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1974) - đại diện cho các hộ dân bức xúc.

Đơn tố cáo của các hộ dân xã Lương Thịnh gửi các cấp chức năng. Ảnh: Tân Văn

Đây cũng là những nội dung chủ đạo được nêu ra trong rất nhiều đơn thư các hộ dân xã Lương Thịnh gửi đi khắp các cơ quan chức năng, trong đó có UBND tỉnh, Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh Yên Bái.

Nội dung đơn thư thể hiện, người dân đề nghị được làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án.

Né tránh dân, "né" cả báo chí

Còn với hộ gia đình ông Trần Văn Khải (thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh) đang lâm cảnh trớ trêu khi mép đường chỉ cách tường nhà 4,1m (theo quy định hành lang an toàn với đường bộ cấp IV là 9m từ đất đường bộ ra mỗi bên). 

Ông Khải cho biết, cuộc sống của gia đình đảo lộn hoàn toàn kể từ khi đường mới chạy qua sát nhà.

Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Nguyễn Văn Khải nằm sát quốc lộ nhưng không được giải tỏa, đền bù. Ảnh: Tân Văn

"Tôi ở nhà nhưng lúc nào cũng cảm giác như ngồi trên chiếc xe khách, rung lắc, ù ù vì đường có quá nhiều xe tải lớn qua lại, ban đêm càng không thể chịu được", ông Khải nói.

Theo ông Khải, gia đình đã có đơn thư phản ánh đến rất nhiều cơ quan chức năng đề nghị được tái định cư hoặc đổi đất, tuy nhiên đều không nhận được sự phản hồi, giải quyết thoả đáng.

Từ nhà ông Khải nhìn đối diện phía bên kia đường, miếng đất để không của gia đình ông Phạm Văn Sơn lại được hội đồng cho vào diện thu hồi, đền bù, khiến gia đình ông Khải càng thêm bức xúc, khó hiểu. 

Phó Chủ tịch huyện Trấn Yên Nguyễn Đức Mầu. Ảnh: Tân Văn

Liên quan đến những bất cập, nhức nhối tồn tại mấy năm qua tại dự án bị theo dõi đặc biệt này, PV đã liên hệ làm việc với Sở GTVT tỉnh Yên Bái (chủ đầu tư), Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đại diện chủ đầu tư) và UBND huyện Trấn Yên. Tuy nhiên, chỉ có Ban QLDA là phản hồi, hẹn ngày làm việc là 15h chiều 16.5.2023.

Thế nhưng thời điểm làm việc, ông Trưởng ban Trần Xuân Cường bỗng báo có lịch họp đột xuất để giao một chuyên viên là Nông Văn Hiến làm việc, và không trả lời được bất cứ một câu hỏi nào ngoài việc đùn đẩy trách nhiệm về UBND huyện Trấn Yên.

Trong khi đó ở cấp cơ sở, ông Hà Ngọc Tâm - Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cũng cho biết: "Việc đền bù, GPMB phục vụ dự án đều do hội đồng thực hiện, xã chỉ tham gia với vai trò phối hợp".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn