MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền Chợ Củi thời gian qua tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: Quang Đại.

Lộ thêm nhiều bất cập trong quản lý tại Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi

TRẦN TUẤN LDO | 07/01/2024 13:28

Hà Tĩnh - Không những giao hoàn toàn cho hộ gia đình thủ nhang quản lý thu, chi tiền công đức mà kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ rõ thêm nhiều bất cập khác trong công tác quản lý Đền Chợ Củi trong suốt một thời gian dài.

Theo kết luận, năm 2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia Đền Chợ Củi (tỷ lệ 1/500) với diện tích quy hoạch sử dụng đất là 8,44 ha tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa thực hiện việc cắm mốc và không ban hành quy định quản lý nên quy hoạch nêu trên vẫn chưa thực hiện trên thực tế.

Điều đó dẫn đến việc cơi nới, vi phạm chỉ giới quy hoạch, chỉ giới giao thông... Hiện phía mép bờ sông Lam bên ngoài đường vào di tích (phía Bắc Đền) có 12 ki-ốt do các hộ gia đình tự ý xây dựng trái phép đang kinh doanh. Trong đó, nhiều ki ốt đóng cọc bê tông và đổ sàn ra cả phần lòng sông Lam.

Gần đây lượng du khách đến với Đền Chợ Củi tăng mạnh nên một số chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch năm 2010 không còn đáp ứng đủ yêu cầu phục vụ như: bãi đỗ xe, khu dịch vụ… dẫn đến tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn giao thông, nguy cơ cháy nổ rất cao và ảnh hưởng đến an ninh xung quanh khu vực Đền.

Kết luận nêu rõ, từ khi thành lập Ban Quản lý di tích Đền Chợ Củi vào năm 2014 cho đến năm 2023, UBND huyện Nghi Xuân không thực hiện việc gửi hồ sơ thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc huyện Nghi Xuân đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý di tích chưa quản lý được số lượng nhân sự tham gia các tổ tại di tích.

Cụ thể, tổ nội tự gồm 5 người nhưng thực tế số người làm việc là 24 người; tổ giữ xe gồm 5 người nhưng thực tế số người làm việc là 23 người.

Việc phân công nhiệm vụ chưa kịp thời, Ban Quản lý được thành lập năm 2014, nhưng đến năm 2019 mới ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

Ban Quản lý di tích không thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động và các chế độ đối với người lao động mà giao khoán cho gia đình "thủ nhang" và tổ giữ xe là không đúng quy định.

Ban Quản lý chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện thu phí trông giữ phương tiện của khách đến làm lễ ở đền, có hiện tượng sử dụng vé ngoài và thu tiền vé sai quy định.

Người dân về hành hương ở Đền Chợ Củi. Ảnh: Trần Tuấn.

Các hoạt động dịch vụ khác tại đền như: dịch vụ cúng lễ, dịch vụ viết tấu sớ, dịch vụ cho thuê ki-ốt bán hàng trong khu vực di tích chưa được quản lý.

Theo hồ sơ xếp hạng di tích thì hằng năm, Đền Chợ Củi có 3 ngày đại lễ là ngày 3.3 âm lịch lễ Giỗ Đức Thánh mẫu Liễu Hạnh; ngày 20.8 âm lịch lễ Giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; ngày 10.10 âm lịch là ngày lễ Đức Thánh quan Hoàng Mười.

Tuy vậy, thời gian vừa qua UBND huyện Nghi Xuân không thành lập ban tổ chức lễ hội, không tổ chức được phần hội mà chủ yếu là nhân dân, du khách về đi lễ, thực hiện tín ngưỡng mang tính tự phát.

Theo kết luận, với những tồn tại, hạn chế, chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, UBND huyện Nghi Xuân và Ban Quản lý di tích Đền Chợ Củi, UBND xã Xuân Hồng, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn