MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân thủ sẵn kit-test tại nhà. Ảnh: Thế Lâm.

"Loạn" kit-test làm hao ví dân, giá xăng tăng khiến hụt sức doanh nghiệp

Thế Lâm LDO | 24/02/2022 07:29

Với tình hình số ca mắc COVID-19 mỗi ngày từ 50.000-60.000 ca như thời điểm hiện tại, kit-test SARS-CoV-2 trở thành mặt hàng quá đỗi thiết yếu, thậm chí đang nóng sốt, khan hiếm, giá cả biến động khó lường…

Giá kit-test “nhảy múa”, không phải chỉ ở thời điểm hiện nay mà từ nhiều tháng trước khi TPHCM và các tỉnh còn đang trong đỉnh dịch.

Cũng từ thời điểm đó, giá kit-test mỗi nơi một kiểu, nhưng nhìn chung đều đắt đỏ và cao ngất.

Thế nhưng cũng vào thời điểm đó, những ngày có số ca mắc COVID-19 cao nhất trên cả nước cũng chỉ trên 20.000 ca. Nay, số ca mắc nhiều hơn gấp đôi, hoặc thậm chí hơn, nhu cầu kit-test càng lớn. Nhiều hộ gia đình, cả nhà đều trở thành F0, chi phí kit-test trở thành gánh nặng.  

Mới nhất, ngành chức năng có chủ trương đưa kit-test SARS-CoV-2 vào bình ổn giá. Đến bây giờ, kit-test khan hàng, giá biến động không quản nổi, mới “định” đưa vào danh mục hàng bình ổn giá thì đã muộn.

Nhưng muộn còn hơn không, nhưng cần phải nhanh triển khai. Bình ổn giá cụ thể sẽ như thế nào để giải quyết tình trạng khan hàng, găm hàng đầu cơ  thu lợi vào lúc thị trường cao điểm...

“Đề bài” giải quyết nhu cầu và giá cả kit-test SARS-CoV-2 không phải là mới, đã được đặt ra hàng năm về trước. Thế nhưng cũng hàng năm trôi qua rồi, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục phức tạp, thể hiện ở số ca nhiễm tăng mạnh thời gian gần đây.

Người dân đối mặt với giá kit-test và một số loại thuốc đặc trị COVID-19 khan hàng giá cao, vàng thau lẫn lộn bán tự do ngoài thị trường. Còn doanh nghiệp, trong giai đoạn hồi phục sản xuất và kinh doanh lại đối mặt với giá xăng tăng lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Giá xăng tăng sẽ bào mòn “sức khỏe” doanh nghiệp trong giai đoạn hồi phục kinh tế hiện nay. Bởi, cơ cấu chi phí nhiên liệu chiếm một tỉ lệ khá cao trong giá thành sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp. Có những ngành như vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-35%. Nhiều ngành khác, chi phí nhiên liệu tùy mức độ cũng từ 5-10% hoặc 15%.

Tính toán để bình ổn giá xăng dầu không chỉ cần thiết, mà phải khẩn trương. Bởi nếu không, giá xăng tăng mạnh sẽ khiến lạm phát bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới gói hỗ trợ về tài khóa thúc đẩy hồi phục kinh tế đã được Chính phủ dày công xây dựng và đã được Quốc hội thông qua hiện  đang được triển khai.

Trên thực tế, cả 2 vấn đề giá xăng tăng cao và giá kit-test SARS-CoV-2 biến động tăng khó lường đều thuộc phạm trù quản lý thị trường về cung cầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh kịp thời về chính sách/công tác quản lý, điều hành giá theo tuần chứ không phải theo tháng.

Thế nhưng trên thực tế, điều này đã không đạt kỳ vọng người dân, và sự phản ánh từ thị trường chính là tiếng nói trung thực nhất về vấn đề điều hành giá cả một số mặt hàng thiết yếu đang sốt giá hiện nay. Cả doanh nghiệp và người dân đều đang cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn hiện tại, cuộc sống ổn định thì sản xuất kinh doanh mới sớm hồi phục và tăng trưởng  lấy lại những gì đã mất trong khoảng thời gian dịch vừa qua.     

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn