MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), được giao tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2019 thì tình trạng nợ lương, nợ BHXH, nợ tiền thuốc, vật tư y tế thường xuyên xảy ra. Ảnh: Nguyễn Trường

Loạt bệnh viện tuyến huyện ở Ninh Bình gặp khó khăn khi tự chủ

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 11/07/2024 14:03

Hầu hết các bệnh viện công lập tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện đã thực hiện tự chủ về tài chính và phát triển theo mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế này đang khiến các bệnh viện gặp khó khăn khi ngân sách bị cắt, nhiều bệnh viện thu không đủ chi.

Ngày 11.7, bà Phạm Thị Phương Hạnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, tự chủ tài chính là một quá trình chuyển đổi mang tính chất đột phá nhưng hoàn toàn tất yếu. Để tồn tại và phát triển thì bệnh viện phải tự chuyển mình để thu hút người bệnh. Đó cũng là phương châm sống còn, tồn tại và phát triển của các bệnh viện trong cuộc cạnh tranh lành mạnh của chính các bệnh viện công và các bệnh viện tư.

Theo bà Hạnh, thực tế hiện nay thì các bệnh viện công lập tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều bệnh viện thu không đủ chi dẫn đến việc nợ lương, nợ BHXH, nợ tiền thuốc, vật tư y tế.. Việc giải quyết khó khăn đối với các bệnh viện tuyến huyện khi thực hiện tự chủ tài chính 100% là bài toán rất hóc búa.

Bà Phạm Thị Phương Hạnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Nguyễn Trường

Ngày 11.7, ông Bùi Hoàng Hà - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình cho biết, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, (diễn ra từ ngày 8 - 10.7) các đại biểu đã chất vấn đối với nhóm vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Y tế tỉnh Ninh Bình.

Tại buổi chất vấn, bà Phạm Thị Phương Hạnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác tuyển dụng nhân lực ngành y; giải pháp đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các Phòng khám đa khoa khu vực; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện, cũng là để nâng cao năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ngành y tế; giải pháp giữ chân bác sĩ, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, trình độ cao làm việc trong khu vực công; giải pháp để tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở và giảm quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh; giải pháp duy trì và nâng cao năng lực tự chủ tài chính; việc "giữ chân" đội ngũ bác sĩ có trình độ tại các đơn vị y tế cấp huyện; giải pháp tăng cường năng lực khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cấp cơ sở...

Theo bà Hạnh, để thực hiện cơ chế tự chủ, vấn đề tiên quyết, đó là phải nâng cao niềm tin của người dân đối với cơ sở y tế. Muốn vậy cần phát triển kỹ thuật mới và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để người dân hưởng chất lượng dịch vụ ở nơi gần nhất nhưng chất lượng tốt nhất và tương đương với những nơi mà họ mong muốn. Như vậy, nâng cao chất lượng bệnh viện là yếu tố then chốt để thực hiện cơ chế tự chủ.

Hàng năm, Sở Y tế đều đánh giá, kiểm tra chất lượng bệnh viện ở tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, trên cơ sở đó có cái nhìn tổng quát hơn về năng lực quản trị của các cơ sở y tế. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, những năm gần đây, điểm trung bình chất lượng các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, so với kỳ vọng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải tiến chất lượng bệnh viện. Trong đó cần sự quyết tâm của toàn ngành, mà bắt đầu phải từ thủ trưởng ở các đơn vị cơ sở y tế.

Tại buổi chất vấn, bà Phạm Thị Phương Hạnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất tỉnh Ninh Bình cho phép ngành được xây dựng Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y với những giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn