MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Ximăng The Vissai Ninh Bình, hiện chỉ hoạt động 1 dây chuyền. Ảnh: Nguyễn Trường

Loạt nhà máy ximăng ở Ninh Bình: Từ hoàng kim đến khó khăn chồng chất

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 05/06/2024 06:00

Từng được mệnh danh là "thủ phủ" về ximăng với 6 nhà máy sản xuất, tuy nhiên, hiện nay những nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có những nhà máy phải dừng sản xuất hoàn toàn do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Hàng loạt nhà máy phải hoạt động cầm chừng

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 6 nhà máy ximăng đang hoạt động, tất cả các nhà máy này đều thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Từ năm 2023, nhiều nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò nung do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất ximăng tăng cao, trong khi đó giá bán ximăng trên thị trường vẫn ở mức thấp, chưa thể bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu ximăng ngày càng thu hẹp khi Trung Quốc chuyển từ nước nhập khẩu sang xuất khẩu ximăng, cũng như sự cạnh tranh xuất khẩu với nguồn ximăng, dư thừa từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan...

Theo đại diện Công ty CP ximăng Hệ Dưỡng (tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), hiện nay Công ty đã dừng hoàn toàn việc sản xuất ximăng và chỉ nghiền clinker. Số lượng công nhân cũng đã giảm từ gần 600 xuống còn hơn 300 lao động.

"Công ty đã dừng sản xuất ximăng 2 năm nay rồi, hiện công ty chỉ nhập clinker về để nghiền và duy trì thương hiệu cũng như để tạo việc làm giữ chân người lao động. Hiện tại công ty cũng chưa có kế hoạch để sản xuất ximăng trở lại, vì hiện nay có sản xuất ra cũng không tiêu thụ được" - đại diện Công ty CP Ximăng Hệ Dưỡng cho hay.

Tương tự, tại Nhà máy Ximăng The Vissai (thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, Ninh Bình), đây được xem là một trong những nhà máy sản xuất ximăng lớn nhất tại Ninh Bình. Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất ximăng, tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay nhà máy này đã phải dừng sản xuất đối với 1 dây chuyền và chỉ duy trì sản xuất đối với 1 dây chuyền còn lại để duy trì thương hiệu và giữ chân người lao động.

Chưa có giải pháp tháo gỡ

Mặc dù các nhà máy sản xuất ximăng tại Ninh Bình đang gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy này.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, trong vòng 2 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất của các nhà máy ximăng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỉnh vẫn chưa có sự hỗ trợ nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 4.3.2024, tỉnh Ninh Bình tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ôtô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực, lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ.

Định hình cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả gắn với những sản phẩm chủ lực, đặc sắc, thương hiệu, có năng lực cạnh tranh cao dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Theo Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đối với hoạt động sản phẩm ximăng, không đầu tư mới, đầu tư nâng công suất, mở rộng các nhà máy ximăng hiện có trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các nhà máy hoạt động hiệu quả, đầu tư thay đổi công nghệ, giải pháp bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các dây chuyền sản xuất ximăng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.

Đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất ximăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn