MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố đi bộ Ninh Bình "chết yểu" sau hơn 5 năm đi vào hoạt động. Ảnh: Diệu Anh

Loay hoay tìm phương án xử lý phố đi bộ "chết yểu" tại thành phố Ninh Bình

DIỆU ANH LDO | 02/05/2023 18:57

Ninh Bình - Sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động, phố đi bộ Ninh Bình rơi vào tình trạng hoang tàn, "chết yểu" vì không có khách, các hoạt động ở đây cũng dừng hoạt động. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu UBND thành phố Ninh Bình phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá khả năng hoạt động, hiệu quả và đề xuất phương án xử lý đối với tuyến phố đi bộ này.

Ông Hoàng Hoa Thắng, Phó chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, phố đi bộ kết hợp với mua sắm ẩm thực tại tuyến đường Đào Duy Từ, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình (điểm đầu quốc lộ 1A, điểm cuối đường Đinh Tiên Hoàng và khu vực xung quanh vỉa hè bao quanh sân thể thao công cộng phường Đông Thành), 100% là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thành phố và các ban ngành của tỉnh hỗ trợ về mặt bằng, các thủ tục pháp lý và các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Quầy thông tin của tuyến phố đi bộ này cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Diệu Anh

"Tuyến phố đi bộ trên được UBND thành phố Ninh Bình giao cho Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư  xây dựng Thiên Kim triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý vận hành. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mô hình thí điểm đến năm 2020" - ông Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, tuyến phố đi bộ trên chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12.2018 và chủ yếu là hoạt động về đêm. Tuy nhiên, lượng khách đến thăm quan, mua sắm rất ít và từ khi dịch COVID-19 bùng nổ tại Việt Nam thì các hoạt động ở đây cũng tạm dừng hoạt động cho đến nay.

Cảnh hoang tàn, nhếch nhác tại phố đi bộ Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Hiện tại, nhiều hạng mục, cơ sở vật chất của tuyến phố này đã xuống cấp, hoang tàn và nhếch nhác như: Sân khấu trung tâm phố đi bộ, cổng chào quầy thông tin đài phun nước đèn cá, hệ thống đài phun nước phía trước sân khấu với các cột đèn cá chiếu sáng...

Theo ông Thắng, tuyến phố đi bộ trên được xây dựng thí điểm nhằm tạo nên không gian công cộng lành mạnh, là nơi giao lưu của cộng đồng dân cư, được coi là một đặc trưng của đô thị.

Phố đi bộ kết hợp các yếu tố thương mại, du lịch cùng với các yếu tố đặc sắc của địa phương đáp ứng các nhu cầu thưởng thức văn hóa giải trí, mua sắm tiêu dùng vào buổi tối cũng như quảng bá, thu hút và lưu giữ khách du lịch; đồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho thành phố về đêm. 

Các ki ốt bỏ hoang nhiều năm đã xuống cấp. Ảnh: Diệu Anh

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại phố đi bộ còn gặp nhiều khó khăn, số lượng các hộ kinh doanh tại tuyến phố còn nhiều hạn chế.

Các mặt hàng tại phố đi bộ chưa phong phú, đa dạng. Các gian hàng kinh doanh ẩm thực bị trùng nhau nhiều về món ăn, thực đơn chưa phong phú, đa dạng, chưa thực sự hấp dẫn được người dân và du khách. Chính vì vậy mà số lượng khách đến thăm quan du lịch, mua sắm còn ít. 

Bên cạnh đó, việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Do đặc trưng của thời tiết Bắc Bộ, mùa hè nóng nực kéo dài, mùa đông lạnh, mưa bão nhiều không phù hợp với các hoạt động ngoài trời.

Nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Diệu Anh

"Phố đi bộ kết hợp mua sắm ẩm thực là một hình thức hoạt động mới. Vì vậy, cần từ 3-5 năm để tạo nên thương hiệu và hình thành thói quen cho người dân và khách du lịch.

Sau thời gian dài phải dừng hoạt động do dịch COVID-19, nhiều tiểu thương đã chuyển hướng kinh doanh mới nên hiện nay, các hoạt động ở đây đều đã dừng. Hiện tại, chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình để có giải pháp mới cho tuyến phố này" - ông Thắng nói.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn