MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố xử lý nước thải chăn nuôi được che đậy sơ sài gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh. Ảnh: MN.

Loay hoay tìm phương án xử lý trại lợn gây ô nhiễm ở Hòa Bình

Minh Nguyễn LDO | 01/06/2023 15:44
Hòa Bình - Dù UBND huyện Kim Bôi yêu cầu dừng hoạt động và tháo dỡ cơ sở vật chất trại lợn gây ô nhiễm nhưng các đơn vị liên quan vẫn đang loay hoay thực hiện.

Ngày 24.5, UBND huyện Kim Bôi đã ban hành văn bản chỉ rõ những sai phạm của trại lợn do gia đình ông Trần Hoàng Nghị chăn nuôi (tại địa chỉ thôn Đội 3, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi). Nhưng đã hơn 1 tuần từ khi yêu cầu dừng hoạt động và tháo dỡ cơ sở chuồng trại cùng các công trình phụ khác thì cơ sở trên vẫn hoạt động và xả thải.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Toán – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thượng cho biết: “Địa phương đã nhận được đơn kiến nghị của người dân từ khoảng 2 tháng trước. UBND xã cũng đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra và yêu cầu gia đình ông Nghị khắc phục vấn đề ô nhiễm”.

Theo ông Toán, để xử lý dứt điểm tình trạng này UBND xã Nam Thượng không đủ thẩm quyền. Vì chính quyền địa phương chỉ thực hiện quản lý con người, còn đối với diện tích đất gia đình ông Nghị xây dựng chuồng trại và chăn nuôi thì do Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình. Còn việc đánh giá mức độ ô nhiễm cần nhiều cơ quan có thẩm quyền tham gia đo đạc.

“Trong thời gian văn bản yêu cầu dừng hoạt động của UBND huyện Kim Bôi, địa phương được chỉ đạo làm công tác giám sát. Vào ngày 27.5, hộ chăn nuôi ông Trần Hoàng Nghị đã bán 20/74 cá thể lợn, tuy nhiên ngay sau đó lập tức tái đàn. Xã đã nhắc nhở những gia đình ông Nghị không tuân thủ”, ông Toán thông tin thêm.

Cơ sở nuôi lợn nằm giữa khu dân cư. Ảnh: MN.

Về phía đơn vị giao đất cho hộ gia đình ông Nghị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình Nguyễn Đức Thọ khẳng định đơn vị đã thực hiện đúng theo quy định.

Theo ông Thọ, bên nhận khoán đất được làm lán trại tạm thời để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất; được làm sân phơi, đào giếng nước, xây bể chứa, kênh dẫn nước, cấp thoát nước, hố ủ phân, chuồng nuôi gia súc, gia cầm theo quy định của bên giao khoán.

Ông Thọ cho hay, khi nhận được các phản ánh của người dân về ảnh hưởng của hộ chăn nuôi lợn này gây ra, đơn vị xác nhận có tình trạng này và đã yêu cầu ông Nghị giảm số lượng vật nuôi, thực hiện xử lý nguồn chất thải để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên chưa đánh giá được mức độ ô nhiễm.

“Hiện UBND huyện Kim Bôi đã yêu cầu đơn vị này dừng hoạt động và tháo dỡ chuồng trại, đơn vị đã đốc thúc hộ gia đình chăn nuôi thực hiện. Tuy nhiên còn gặp 1 số khó khăn trong việc nuôi nhốt số gia súc còn lại.

Thời gian tới nếu xảy ra vướng mắc trong quá trình thực hiện yêu cầu của UBND huyện Kim Bôi, công ty sẽ báo cáo với địa phương để tìm ra các biện pháp tháo gỡ”, ông Thọ chia sẻ.

Dòng nước thải ô nhiễm vẫn tiếp tục chảy ra môi trường. Ảnh: MN.


Trước đó, ngày 11.5, Báo Lao Động có bài "Hàng chục hộ dân khốn khổ bên trại lợn ô nhiễm giữa khu dân cư" phản ánh về tình trạng trại lợn gia đình ông Trần Hoàng Nghị xả thải gây ô nhiễm môi trường  trong hơn một năm nay qua.

Khu vực trại lợn với tổng diện tích khoảng hơn 2.000 m2, hiện đang nuôi 74 con lợn nằm giữa khu dân cư. Nơi chứa chất thải chăn nuôi không đảm bảo, đặc biệt lượng lớn chất thải còn chảy sang diện tích đất của các hộ dân xung quanh.

Ngày 24.5, UBND huyện Kim Bôi đã ban hành văn bản yêu cầu đơn vị chăn nuôi trên dừng hoạt động và phải tháo dỡ chuồng trại trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, ngày 29.5, theo ghi nhận của PV cơ sở chăn nuôi này vẫn hoạt động, lượng nước thải vẫn tiếp tục chảy ra trực tiếp môi trường xung quanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn